“Kéo dài hạt lúa Bru-Vân Kiều”

Từ một nghi lễ liên quan tới cây lúa để tạ ơn trời đất và thần linh đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy nhà, lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân trình diễn nghi lễ trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.
Các nghệ nhân trình diễn nghi lễ trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.

Hiện, lễ hội đang được chính quyền cùng với bà con phục dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch, văn hóa cộng đồng.

Hầu hết các tộc người sinh sống ở nước ta đều chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình cũng vậy. Hơn thế, họ vẫn còn giữ được những tập tục, nghi lễ lâu đời liên quan tới vòng đời cây lúa để tạ ơn trời đất và thần linh đã ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy nhà, cuộc sống ấm no.

Theo truyền thống của người Bru-Vân Kiều, sau khi thu hoạch mùa màng, người dân cất lúa vào bồ, trước khi lấy lúa ra phải cúng tạ ơn thần lúa. Lễ mừng cơm mới được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 10 và 11 âm lịch, giống như ngày Tết truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Với họ, thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất nên luôn được tôn thờ.

Ngoài mục đích để tế thần lúa và cảm ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu, lễ hội mừng cơm mới còn là dịp để bà con Bru-Vân Kiều thực hành và trình diễn nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, uống rượu cần và ăn các món truyền thống...

Sau một thời gian lễ hội bị mai một, hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh hỗ trợ khôi phục, thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh nhằm giúp cho đồng bào gìn giữ và duy trì lễ hội độc đáo này, góp phần phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm đời sống đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều bên dãy Trường Sơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc lựa chọn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một điểm để kết nối với di sản tương đồng của người Bru-Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là điều hết sức thú vị và thiết thực.

Việc xây dựng các mối liên hệ giữa những cộng đồng có di sản tương đồng để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và bí quyết nhằm tạo sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình thực hành và trao truyền di sản là rất cần thiết trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Với mong muốn nâng cao giá trị của các tài nguyên văn hóa tại hai huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cũng như tăng cường sự hiểu biết của người dân và bảo tồn các nguồn lực địa phương thông qua việc thúc đẩy du lịch gắn với di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa định hướng kết nối bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chung giữa các địa phương.

Theo đó, trên cơ sở di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều các xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có sự tương đồng, Cục Di sản văn hóa và ngành văn hóa hai tỉnh nỗ lực xây dựng tour du lịch “Kéo dài hạt lúa Bru-Vân Kiều” trước hết tại các điểm được lựa chọn để tổ chức trưng bày, trình diễn và giới thiệu, đó là Bảo tàng tỉnh Quảng Bình và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.

Việc trưng bày, trình diễn tại bảo tàng các tỉnh là dịp để đồng bào Bru-Vân Kiều ở hai xã được trực tiếp sáng tạo các giá trị văn hóa của họ tại một không gian mang tính đại chúng ngoài không gian cộng đồng bản làng thường ngày. Đồng thời đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa tộc người gắn với sản xuất và sinh hoạt của đồng bào sinh sống bên dãy Trường Sơn, từ đó xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch văn hóa bản địa gắn với du lịch sinh thái ở các địa phương.

Từ khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đầu tư phục dựng và sự hỗ trợ của chính quyền, lễ hội mừng cơm mới được đồng bào tổ chức định kỳ hằng năm, trở thành một sản phẩm văn hóa vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu và khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa của người Bru-Vân Kiều.

Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng cho biết, địa bàn xã có vùng thảo nguyên, hang động, khe suối phong cảnh đẹp đang được khai thác du lịch. Với sự hỗ trợ của Sở Du lịch Quảng Bình và các đơn vị, xã đang tổ chức mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, trong đó có việc đưa các lễ hội, âm nhạc dân gian của bà con Bru-Vân Kiều vào phục vụ du khách.

Việc lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tạo điều kiện để địa phương gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Bước đầu khi đưa lễ hội thành một sản phẩm du lịch, người dân có thêm thu nhập từ các dịch vụ để nâng cao đời sống.