Độc đáo Lễ cúng lúa mới của người Raglai tỉnh Ninh Thuận

Vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Raglai xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tổ chức Lễ cúng lúa mới với ý nghĩa tạ ơn thần linh, núi rừng, tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống sung túc.
0:00 / 0:00
0:00
Nghi thức Lễ cúng lúa mới được tổ chức tại gia đình bà Cà Mau Thị Sơn ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn.
Nghi thức Lễ cúng lúa mới được tổ chức tại gia đình bà Cà Mau Thị Sơn ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn.

Đồng bào Raglai ở tỉnh Ninh Thuận có hai lễ hội truyền thống: Thứ nhất là Lễ cúng lúa mới thường được tổ chức sau khi thu hoạch xong vụ mùa hằng năm và chở lúa về nhà. Theo phong tục thì trưởng tộc họ chọn gia đình chuẩn mực về lối sống, có đời sống sung túc... trong mỗi tộc họ để đại diện cho tộc họ tổ chức buổi lễ. Lễ cúng lúa mới nằm trong dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, nhằm phổ biến cho đồng bào địa phương khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân, được huyện Ninh Sơn tổ chức phục dựng lại hơn 10 năm qua.

Thứ hai là Lễ ăn mừng đầu lúa mới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia diễn ra theo chu kỳ 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm một lần, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, dòng tộc.

Năm 2023, tộc họ Cà Mau ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn được trưởng tộc họ chọn tổ chức Lễ cúng lúa mới. Hộ bà Cà Mau Thị Sơn được chọn làm lễ cúng. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ mùa và chở lúa về tận nhà khoảng bảy ngày, tất cả con cháu ở các nơi đều tập trung chuẩn bị lễ vật, và cùng đến nhà bà Cà Mau Thị Sơn vào sáng sớm để rang lúa, giã cốm... Bà Sơn chia sẻ: Lễ cúng diễn ra một ngày rưỡi. Phụ nữ thì chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông thì chặt tre để trang trí khu vực đặt lễ vật cúng, sửa sang lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới.

Ngoài cốm lúa mới, lễ cúng buộc phải có rượu cần, gà, gạo, thóc, bắp, bo bo, trầu cau. Riêng về lễ vật gà, phải là con gà có lông mầu trắng còn sống, được dâng cúng sống trước vào ngày đầu tiên, sau đó đem đi giết thịt rồi đem lên dâng cúng tiếp. Sở dĩ phải cúng con gà có lông mầu trắng vì đó là biểu thị cho mọi điều đều tốt đẹp, trắng sáng. Đây là những lễ vật con cháu dâng lên báo với ông bà, tổ tiên thành quả một năm lao động và cầu xin phù hộ năm mới làm ăn khấm khá hơn, gia đình mạnh khỏe.

Thứ không thể thiếu trong lễ cúng là cây nến được tự làm bằng sáp tổ ong rừng. Ngoài các lễ vật, trên mâm lễ cúng phải có lửa. Nếu tiếng khèn bầu, mã la được xem như lời mời dân bản đến chung vui thì lửa được xem là “vật thiêng” mời ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới.

Khi các lễ vật được chuẩn bị xong, mọi người tập trung đông đủ, đúng giờ lành, phụ nữ sẽ mang lễ vật lên giữa nhà bày biện để cúng, tiếng mã la sẽ được đánh lên để bắt đầu nghi thức và thầy cúng bắt đầu làm lễ cúng.

Trong ngày thứ nhất, sau khi hoàn thành xong các nghi lễ cúng vào buổi trưa, gia chủ mở các ché rượu cần rồi cùng hàng xóm quây quần bên mâm cơm, vừa uống rượu cần và chúc nhau mọi điều tốt đẹp, đồng thời sinh hoạt cộng đồng với những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng Raglai đến tối khuya.

Ông Cà Mau Viên, Chi tộc trưởng tộc họ Cà Mau cho biết: Ngày thứ hai, tiếp tục thực hiện lễ cúng đến buổi trưa, khấn mời thần trời, thần núi và linh hồn của ông bà, tổ tiên cùng tựu về với con cháu để chứng kiến lễ ăn mừng lúa mới. Tiếp đó, gia chủ khấn tiễn đưa các linh hồn ông bà, tổ tiên về với nơi an nghỉ của mình. Xong phần nghi thức này, hai thầy cúng sẽ cúng tiếp để cầu mong cho thành viên trong tộc họ sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.

Lãnh đạo xã Ma Nới cho biết, Lễ cúng lúa mới là một phong tục truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai; ngoài việc thể hiện sự biết ơn đối với thần linh, ông bà, tổ tiên, còn mang tính gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Hiện, xã Ma Nới có 27 tộc họ. Trước đây, các tộc họ đều có chung các lễ hội, nhưng nay, chỉ còn năm tộc họ lưu giữ Lễ cúng lúa mới và được tổ chức hằng năm. Xã đang tuyên truyền để người dân tiếp tục lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng mình.

Mong rằng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa nhiều hơn nữa.