Mạnh tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái

Xử lý hình sự, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính… là những biện pháp đang được cơ quan chức năng mạnh tay xử lý đối với các đối tượng có hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng thành phố thu giữ nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lực lượng chức năng thành phố thu giữ nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Mùa Trung thu cận kề, đây là thời điểm các loại bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tại nhiều cửa hàng, vỉa hè. Ngày 21/9, Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an Quận 12 đã phát hiện gần 4.000 cái bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt tại điểm kinh doanh ở phường Thạnh Xuân, Quận 12.

Theo Cục Quản lý thị trường, chỉ tính từ ngày 23/8 đến nay, các đội đã kiểm tra, xử lý tám vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ 5.490 cái bánh trung thu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 72,2 triệu đồng.

Thực tế, hàng giả, hàng nhái, hàng không nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện nhan nhản tại nhiều tuyến đường, khu chợ tự phát ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay khu chợ tự phát trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân), người đi chợ được chào mời mua các loại nước rửa chén, nước xả, dầu gội đầu… thậm chí, cả son phấn, nước hoa với giá chỉ vài chục nghìn đồng/món.

Còn tại chợ Bến Thành (Quận 1), nhiều tiểu thương chào mời các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách… thuộc nhiều thương hiệu nước ngoài tên tuổi, với giá chỉ từ 300.000-500.000 đồng/sản phẩm. Khi khách hỏi có phải hàng thật, người bán khẳng định: "Hàng thật sẽ không có giá đó. Tuy nhiên, sản phẩm rất chất lượng, mẫu mã đẹp cho nên vẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua".

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng thành phố liên tục ra quân, truy quét hàng gian, hàng giả. Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 6 vừa phối hợp Ban Quản lý chợ Bình Tây, Ủy ban nhân dân Phường 2, Quận 6 kiểm tra ba địa điểm kinh doanh thuộc chợ Bình Tây và các tuyến đường giáp ranh khu vực chợ.

Tại đây, lực lượng chức năng đã tạm giữ 294 sản phẩm gồm đồng hồ, nón vải có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng Dior, Christian Dior, tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết gần 18 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp đại diện theo pháp luật của các chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu, kết quả giám định ban đầu cho thấy, toàn bộ số hàng hóa này đều giả mạo nhãn hiệu.

Trong tháng 8/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra gần 10.000 vụ chuyên ngành và liên ngành, có 552 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 11 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan này đã thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm là dụng cụ y tế, tân dược, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô-tô, xe đạp, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, linh phụ kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng điện gia dụng, hàng gia dụng, điện thoại di động, văn phòng phẩm, vải, giày dép, đồ dùng cá nhân, thiết bị điện, phụ liệu may mặc… Cũng trong tháng, Cục đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra một vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả không có dấu hiệu thuyên giảm; đặc biệt, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam hoạt động mạnh hơn.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… hoạt động trên nền tảng di động trong tình hình hiện nay rất phức tạp. Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa, trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít cho nên rất cơ động và khó phát hiện.

Tại tọa đàm về chủ đề "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Bắc Hải cho rằng: Công tác phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hải, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, do đó gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức "gửi nhầm hàng", "từ bỏ" nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư thành phố) cho biết, Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng nếu hàng hóa có giá trị dưới một triệu đồng. Mức cao nhất phạt tiền từ 40 triệu-50 triệu đồng khi hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu với hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Lực lượng chức năng thành phố dự báo, trong những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, khai báo không đúng khối lượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm; hàng hóa sẽ được các đối tượng tập kết tại các kho hàng, bến bãi chờ phân phối vào thị trường.

Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc,… sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, sử dụng thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Cục Quản lý thị trường, Công an thành phố tiếp tục tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa, trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa, trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn để thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố nhận định.