Lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô

Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, nghệ nhân Kray Sức, 61 tuổi, ở thôn ALiêng, xã Tà Rụt, huyện Ða Krông (Quảng Trị) đã dày công nghiên cứu, lưu giữ các làn điệu dân ca cũng như nhạc cụ, tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông Kray Sức là một trong số ít người đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Kray Sức truyền dạy các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Kray Sức truyền dạy các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô cho thế hệ trẻ.

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ chuyên trách văn hóa xã Tà Rụt, nghệ nhân Kray Sức không quản ngại đường sá xa xôi, khó khăn vất vả đã băng rừng, lội suối để sưu tầm, dịch thuật, ghi chép, biên soạn hàng chục kịch bản múa cồng chiêng, nghi thức lễ hội cùng các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô. Ðến nay, qua hơn 20 năm, nghệ nhân Kray Sức đã sưu tầm, khôi phục được 24 làn điệu dân ca cổ của đồng bào dân tộc Pa Cô.

Ngoài ra, nghệ nhân Kray Sức còn sưu tầm và dạy người dân các bản, làng viết chữ của đồng bào mình... Theo nghệ nhân Kray Sức, khi người Pa Cô đọc, viết thành thạo ngôn ngữ của mình thì đó là cơ sở và nền tảng vững chắc cho việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pa Cô được sâu bền, mãi mãi.

Nghệ nhân Kray Sức cho biết: “Với mong muốn tất cả mọi người, nhất là đồng bào dân tộc Pa Cô phải biết các làn điệu dân ca của mình cho nên tôi không quản ngại gian khổ, miệt mài sưu tầm để trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Ngoài hát, múa, những người am hiểu sâu về nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình còn phải dạy chữ cho thế hệ trẻ, vì nếu chỉ hát thôi thì các cháu sẽ không biết chữ. Cách viết theo tiếng Pa Cô có phông chữ riêng cho nên tôi phải cố gắng thiết lập lại các chữ đó cho thuận lợi trong việc truyền dạy”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ A Duân: Việc đưa vào bài giảng về những nét văn hóa đặc sắc, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô để trao truyền cho thế hệ trẻ là rất thiết thực và ý nghĩa, do vậy cần nhân rộng trong các trường học để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Mong muốn lớn nhất của nghệ nhân Kray Sức là những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào Pa Cô do mình sưu tầm để lại cho con cháu luôn vang vọng giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Nghệ nhân Kray Sức còn tham gia nhiều chương trình, hội thảo, giao lưu liên quan đến văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số do Trung ương, tỉnh và địa phương tổ chức. Ðể phục vụ các hoạt động lễ hội, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương cũng như các hội thi về văn hóa, văn nghệ của đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân Kray Sức tham gia sáng tác lời các bài hát dân ca; biên soạn kịch bản múa cồng chiêng cùng ghi chép lại nghi thức lễ hội, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Pa Cô; tham gia góp ý, biên đạo các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Ðể làn điệu dân ca Pa Cô lan tỏa trong cộng đồng, nghệ nhân Kray Sức đã mở lớp dạy hát, truyền đạt lại các môn nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Với nỗ lực lưu truyền và đóng góp của mình, nghệ nhân Kray Sức đã tổ chức và xây dựng được chín đội dân ca, dân vũ ở xã Tà Rụt và các địa phương khác trong toàn huyện Ða Krông. Các làn điệu dân ca của người Pa Cô giờ đã lan tỏa khắp các bản, làng và trong các trường học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ða Krông Nguyễn Ðăng Sơn cho biết: Huyện có các chính sách riêng để hỗ trợ các nghệ nhân dày công nghiên cứu, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc và các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô. Nghệ nhân Kray Sức là nhân vật tiêu biểu, lan tỏa được hình ảnh văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc mình để lưu truyền lại cho con cháu.

Ðể bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô, nghệ nhân Kray Sức đang tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, xây dựng thành sách bằng tiếng Pa Cô. Có thể nói, chính những nỗ lực của nghệ nhân Kray Sức cùng nhiều nghệ nhân ở miền núi Quảng Trị đã thổi bùng lên ngọn lửa mong muốn lưu giữ, bảo tồn văn hóa vốn làm nên hồn cốt của đồng bào dân tộc Pa Cô.