Liên kết đẩy mạnh chăn nuôi bền vững

Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm, có thế mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, Đồng Nai được mệnh danh là trung tâm chăn nuôi heo (lợn), gia cầm lớn nhất cả nước, với tổng đàn heo hơn 2,6 triệu con, tổng đàn gà 26 triệu con.
0:00 / 0:00
0:00
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
Chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Bình Phước cũng có tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn, với tổng đàn heo khoảng 1,7 triệu con, gia cầm gần 14 triệu con.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua, ngành chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Các địa phương trong vùng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước lấy chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ để nhân rộng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Đồng thời, các địa phương trong vùng cũng chú trọng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Theo thống kê, tính đến đầu năm 2023, cả nước có hơn 2.210 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật tại 55 tỉnh, thành phố. Trong đó, số cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được xây dựng tại các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước.

Cụ thể, đối với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, cả nước đã xây dựng được khoảng 920 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia cầm tại 40 tỉnh, thành phố. Trong số này, chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh/thành phố.

Trong sáu tỉnh trên cả nước có vùng an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia cầm cấp quận/huyện, Đông Nam Bộ chiếm tới năm gồm: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, tỉnh còn lại là Bắc Giang. Cùng đó, cả nước xây dựng được sáu vùng an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia súc cấp quận/huyện thì đều thuộc về hai tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tuy tốc độ phát triển ngành chăn nuôi của toàn vùng Đông Nam Bộ tương đối nhanh trong thời gian qua nhưng lại thiếu bền vững, biến động mạnh về tổng đàn, sản lượng, giá cả, lợi nhuận của người chăn nuôi và lợi ích của người tiêu dùng.

Đáng quan ngại, tuy vùng Đông Nam Bộ xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên gia súc, gia cầm nhưng tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ, gia súc, gia cầm dễ bị “tổn thương” trước dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh xảy ra là tỷ lệ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại vùng Đông Nam Bộ vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao, được nuôi xen kẽ với các trang trại lớn dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Trong khi việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa bao phủ hết các vùng chăn nuôi; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đạt tỷ lệ chưa cao.

Cùng với đó, những bất cập của ngành chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ, cũng là của cả nước hiện nay là năng suất còn thấp, trong khi giá thành sản phẩm cao. Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giết mổ, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn yếu kém; sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn chưa đạt như kỳ vọng đặt ra; các dịch vụ logistics hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển chăn nuôi còn thiếu…

Để vùng Đông Nam Bộ trở thành mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của cả nước, các địa phương trong vùng cần thúc đẩy sự hợp tác, liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thị trường, giảm chi phí trung gian và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình và hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học cho chăn nuôi quy mô trang trại, nông hộ và xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Vùng Đông Nam Bộ cũng cần căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để liên kết xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi toàn vùng. Từ đó, đưa ra chiến lược phù hợp từng địa phương, cũng như phương thức chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi của toàn vùng...