Làng UNESCO giữa lòng xứ Nghệ

Trải qua sáu thế kỷ hình thành và phát triển, các danh nhân, dòng họ ở làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đã dựng xây nên truyền thống văn hóa, khoa bảng đặc sắc cùng hệ thống di sản mang tầm vóc quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan, khám phá di sản văn hóa tại làng Trường Lưu.
Học sinh tham quan, khám phá di sản văn hóa tại làng Trường Lưu.

Với bốn loại hình di sản đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, công nhận là Di sản văn hóa, tư liệu ký ức thế giới, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực xây dựng làng Trường Lưu trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn.

Trường Lưu mảnh đất thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn phủ Đức Quang nay là xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) là một trong những làng văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Làng văn hóa-di sản

Theo ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường: Làng Trường Lưu được thủy tổ họ Nguyễn Huy là Nguyễn Uyên Hậu cùng cư dân bản địa các làng Tràng, Làng Vạc, Kẻ Đò... lập và đặt tên từ giữa thế kỷ XV. Đến giữa thế kỷ XVIII, các danh nhân Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… đã cùng nhân dân xây dựng Trường học Phúc Giang, nơi có hàng nghìn người theo học, đã đào tạo hơn 30 tiến sĩ, trong đó có nhiều danh nhân đất nước, gây dựng nhiều cảnh đẹp, cùng nhiều sinh hoạt hát ví, sáng tác, giao lưu văn hóa… Làng Trường Lưu là trung tâm văn hóa lớn nhất nước thời đó, chỉ sau Kinh thành Thăng Long.

Ngoài hệ thống di sản vật thể bao gồm 4 di tích cấp quốc gia, 11 di tích cấp tỉnh, hiếm có một làng quê nào ở Việt Nam lại có đến 4 di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu ký ức của thế giới được UNESCO vinh danh, công nhận là Di sản văn hóa, tư liệu ký ức thế giới.

Dân ca ví dặm, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu trở thành niềm hãnh diện của người dân về truyền thống hiếu học, quá khứ vàng son của dòng tộc, quê hương “Dân ca ví dặm là di sản văn hóa phi vật thể của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng Trường Lưu là cái nôi của nghệ thuật hát phường vải, một trong bốn nội dung quan trọng (hát phường vải Trường Lưu, hát phường nón Phù Việt, ví dặm Nam Đàn và Thanh Chương) của ví dặm Nghệ Tĩnh, do đó Dân ca ví dặm là một bộ phận không thế thiếu của văn hóa Trường Lưu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Từ năm 1960-1961, nhiều đoàn nghiên cứu của các trường đại học trong nước và ngoài nước đã đến làng Trường Lưu để khảo sát, nghiên cứu về văn hóa, di sản tại đây, cũng đã có nhiều công trình khoa học về làng Trường Lưu đã được công bố, bảo vệ thành công, trong đó có các trường: Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện Văn học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nhân Dân Trung Quốc,…

Với tâm nguyện sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dòng họ và quê hương cho nên từ những năm 80 của thế kỷ trước, GS, TSKH Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã bắt đầu hành trình tìm kiếm, lưu giữ những tư liệu thành văn của dòng họ như “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” và nay là “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu”.

Theo GS, TSKH Nguyễn Huy Mỹ, phần lớn các di sản đều làm bằng các chất liệu như giấy dó, lụa hoặc gỗ thị... cho nên nếu bảo quản không tốt hoặc không được sao chép cẩn thận sẽ có nguy cơ bị thất truyền.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho UBND huyện Can Lộc phối hợp các sở, ngành chức năng liên quan khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu tại xã Kim Song Trường.

“Trong Nghị quyết về phát triển du lịch của huyện Can Lộc, địa phương xác định làng văn hóa Trường Lưu là điểm nhấn. Tuy nhiên, nguồn lực để phục dựng, bảo tồn, phát huy các di sản ở Trường Lưu khá lớn, vượt qua khả năng huy động của huyện, xã; vì vậy rất cần sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, tỉnh và các bộ, ngành liên quan để kho tàng văn hóa, di sản ở Trường Lưu được tiếp tục bảo tồn và gìn giữ, trường tồn mãi với thời gian”, ông Dũng nhấn mạnh.