Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết bốn nhà đã góp phần giải quyết một số khó khăn, bức xúc của nông dân về tiêu thụ sản phẩm. Qua đó tạo ra động lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều địa phương tỷ lệ tiêu thụ nông sản hàng hóa vẫn bấp bênh, người nông dân vẫn phải đối mặt với tình cảnh "được mùa nhưng rớt giá".
Bạn đọc Lê Mạnh Cường (Thái Bình): Theo thông tin giá cả thị trường, hiện nay nhiều loại nông sản hàng hóa từ bắc vào nam như: vải thiều, cam sành, sầu riêng, chôm chôm... đang trong trạng thái tuột giá tự do. Chuyện được mùa rớt giá đối với các sản phẩm nông nghiệp khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao. Làm ra sản phẩm đã khó, tìm nơi tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn.
Làm sao để hết cảnh được mùa, thất giá là bài toán nhiều năm qua chưa tìm ra lời giải. Trong khi đó, tuy thuế nông nghiệp đã được bãi bỏ, nhưng tại nhiều vùng nông thôn, nông dân đang phải đóng nhiều loại phí và lệ phí khác do làng, xã tự tiện đặt ra. Ðất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nông sản làm ra không có nơi tiêu thụ, nhiều nông dân phải bỏ ruộng vườn đi làm thuê đang là thực trạng phổ biến.
Bạn đọc Nguyễn Thu Trà (An Giang): Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân còn trong tình trạng tự phát, quy mô hoạt động nhỏ, chưa có tính liên doanh, liên kết. Phần lớn việc thu mua cũng như chế biến, bảo quản sản phẩm diễn ra tự do, chưa theo quy trình khép kín. Những năm tới, để việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả, các ngành và cơ quan chức năng sớm xây dựng cơ chế, chính sách tìm đầu ra cho sản phẩm nhà nông.
Trước hết, cần quy hoạch vùng sản xuất, mở rộng thị trường nông thôn, hình thành các chợ đầu mối, các nhà máy chế biến, bảo quản sản phẩm cho nông dân. Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến, sản phẩm sạch, nghiệp vụ kinh doanh cho nông dân. Tổ chức các tổ nhóm liên kết, hội nghề nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp.
Ông Trần Minh (Bắc Giang): Sức ép hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đã cận kề, việc hỗ trợ tạo lực cho nông dân vươn lên thích ứng với điều kiện sản xuất mới là hết sức cần thiết. Ðể chương trình liên kết bốn nhà mang lại hiệu quả như mong muốn, Nhà nước sớm cụ thể hóa chính sách, tạo điều kiện các doanh nghiệp, tổ chức tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, hướng dẫn nông dân sản xuất phù hợp tập quán canh tác của từng địa phương. Doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện mối liên kết. Trên cơ sở đó, có kế hoạch và định hướng để ký kết hợp đồng ổn định lâu dài với nông dân sản xuất nguyên liệu. Mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức kinh tế tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân thông qua hợp đồng kinh tế.