Từng là vùng biển giàu tôm cá nhưng do việc khai thác theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi thủy sản ở Cà Mau ngày càng suy kiệt.
Những năm gần đây, cùng với chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp khai thác trái phép, ngành chức năng tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản như chuyển đổi nghề, thả con giống, nuôi biển…
Một trong những cách được Cà Mau áp dụng là thả cấu kiện rạn nhân tạo xuống biển để các loài thủy sản có nơi trú ngụ, sinh sản, phát triển.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, có 900 cấu kiện rạn nhân tạo được thả xuống biển Tây Nam từ năm 2019 đến 2022 trong chu vi mặt biển 5,6km, diện tích 1,88km2. Các khối rạn hình lập phương, kích thước 1,5x1,5x1,5m, dày 17cm, được phân thành nhiều cụm (100 cấu kiện/cụm). Những khối rạn này tạo thành một quần thể như là “mái nhà chung” cho các loài hải sản trú ngụ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Bình Tây Nguyễn Cảnh Hạnh cho biết, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp địa phương thành lập “Tổ đồng quản lý bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo” (Tổ đồng quản lý) gồm 15 thành viên với hơn 30 tàu cá của hai xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Các thành viên trong tổ luân phiên canh giữ, phát cảnh báo và ngăn tàu cá lạ xâm phạm khu vực thả rạn nhân tạo; thường xuyên thông báo tình hình hoạt động tại khu vực này về đơn vị chức năng và chính quyền địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, bước đầu, rạn nhân tạo này đã trở thành nơi trú ngụ của các đàn cá nhỏ trước các loại ngư lưới cụ khai thác mang tính hủy diệt; góp phần cải thiện môi trường trong và quanh khu vực thả rạn. Cùng với đó, các loài sinh vật đeo bám giá thể rạn gia tăng, tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài hải sản.
Ông Lê Hữu Nghĩa, chủ tàu cá ở ấp Thời Hưng, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Ngoài các đàn cá nhỏ, gần đây, ở khu vực này, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện của các đàn cá trích, cá sọc, cá mú… nhiều hơn so với trước”.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, việc thả rạn nhân tạo có sự hỗ trợ một phần từ Chính phủ Thái Lan, vừa góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vừa kết hợp phát triển du lịch. Kết quả lặn biển khảo sát nguồn lợi thủy sản gần đây của ngành chức năng Cà Mau ghi nhận, khu vực thả rạn nhân tạo có hơn 78 loài đại diện được tìm thấy thường xuyên.
Trong đó, mật độ cá chiếm tỷ lệ cao với 48 loài đã bắt gặp (chiếm 61,5 %); nhóm động vật sống ở tầng đáy rạn với 23 loài (tỷ lệ 29,5%); nhóm động vật đeo bám theo rạn có 7 loài (chiếm 9%). Kết quả này cho thấy dấu hiệu phục hồi nguồn lợi thủy sản tích cực ở khu vực thả rạn.
Các chuyên gia lặn biển gần đây còn phát hiện ở khu vực thả rạn nhân tạo xuất hiện một số loài cá có giá trị cao, như cá bớp, cá thu, cá bè, cá nhồng, cá mú, cá hường… cùng một số loài cá cảnh như cá bướm, cá thia, cá hoàng hậu đuôi trắng… Sự xuất hiện của những loài vừa nêu cho thấy chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn nhân tạo phục hồi tích cực, bước đầu khẳng định hiệu quả của việc sử dụng rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ cho sinh vật biển phát triển.
Ngư dân Lê Vũ Trường, Tổ phó Tổ đồng quản lý xã Khánh Bình Tây, cho biết, từ lúc có rạn nhân tạo, địa phương phát sinh thêm nghề lặn biển và tổ chức câu cá giải trí tại khu vực thả rạn, góp phần tạo thêm sinh kế, việc làm và thu nhập cho ngư dân trong vùng. Theo đánh giá bước đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, việc thả rạn nhân tạo không chỉ quy tụ được ngày càng nhiều tôm, cá mà còn góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập của ngư dân.
Kết quả điều tra trước và sau khi thả rạn nhân tạo cho thấy, sản lượng khai thác của nghề lưới rê trung bình tăng lên gần 76kg/chuyến (tăng hơn 15%), lợi nhuận theo đó tăng thêm hơn 6,5 triệu đồng/chuyến. Đây cũng là nghề khai thác được hưởng lợi nhiều từ việc thả rạn nhân tạo do kích thước mắt lưới lớn, khai thác chọn lọc các loài cá có giá trị kinh tế cao.
Còn với nghề lồng xếp, sản lượng khai thác trung bình tăng thêm hơn 295kg/chuyến (tăng hơn 27%), lợi nhuận tăng thêm hơn 14 triệu đồng/chuyến. Nghề câu mực, sản lượng khai thác trung bình tăng thêm 13kg/chuyến (tăng hơn 16%). Nghề ốc bẫy mực sản lượng khai thác tăng thêm 125 kg/chuyến, lợi nhuận tăng thêm gần 17 triệu đồng/chuyến…
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Đỗ Chí Sĩ cho biết thêm: “Trước khi thả rạn nhân tạo, chúng tôi chỉ xác định được 40 loài thương phẩm trong các mẻ khai thác của ngư dân, trong đó có 25 loài cá, 8 loài giáp xác và 7 loài thân mềm. Sau khi thả, số lượng loài thương phẩm trong các mẻ khai thác tăng lên đến 97 loài, trong đó có 62 loài cá, 15 loài giáp xác và 20 loài thân mềm”.
Với những kết quả tích cực ghi nhận bước đầu, tỉnh Cà Mau đang cân nhắc, xem xét đề xuất từ ngành chức năng nhằm mở rộng quy mô, phạm vi khu vực thả rạn nhân tạo ở những khu vực phù hợp nhằm góp phần bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, hướng đến nghề cá bền vững.