Kỳ vọng từ những công viên xây dựng bởi cộng đồng

Công viên được hình thành từ cộng đồng; duy trì, cải tạo cũng bởi cộng đồng, đó là Công viên rừng Phúc Tân, công viên rừng thứ hai trên địa bàn Hà Nội. Mô hình này mở ra một giải pháp mới trong cải tạo các không gian bị lãng phí thành không gian xanh, với chi phí xây dựng, duy trì tối thiểu.
0:00 / 0:00
0:00
Công viên rừng Phúc Tân tạo ra một không gian sinh hoạt mới, hữu ích cho người dân Thủ đô.
Công viên rừng Phúc Tân tạo ra một không gian sinh hoạt mới, hữu ích cho người dân Thủ đô.

Chiều đến, khi các em nhỏ tan giờ học, người lớn tan giờ làm cũng là lúc Công viên rừng Phúc Tân (Tổ 1, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) rộn rã tiếng nói cười. Ở đó có khu vui chơi dành cho trẻ em, có các thiết bị tập luyện thể dục, thể thao, có các đường dạo… Hầu hết các thiết bị đều được làm theo tiêu chí “xanh”, tức là sử dụng vật liệu tái chế từ thủy tinh, nhựa, hay gỗ cũ, lốp xe... Bằng sáng tạo của các kỹ thuật viên, những thứ đồ cũ ấy biến thành các món đồ chơi sinh động. N

ổi bật trên bãi cát là hình một chú rồng khổng lồ uốn lượn. Mỗi “khúc” uốn lượn của rồng là một thiết bị vui chơi, để trẻ em có thể thỏa sức khám phá, leo trèo. Con rồng khổng lồ này được các tác giả đặt tên là “Hệ chơi hình rồng”. Công viên rừng tạo ra một sinh khí mới cho cả khu vực, vốn được xem là “phía sau” của thành phố này.

Cách đây chừng hai tháng, nơi đây vẫn là nơi tập kết phế thải, không ai muốn đặt chân đến; xen kẽ với đó là những khu vực người dân trồng rau hay chiếm dụng để sử dụng mục đích riêng. Hiện nay, công viên nằm ngay cạnh Không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, khiến nó trở thành “điểm đến” ưa thích của nhiều người.

Tiếp sau Công viên rừng Chương Dương được triển khai từ năm 2021, đây là công viên rừng thứ hai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung và xuất phát từ sáng kiến của nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) và một số tổ chức xã hội khác, thí dụ như tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống trong việc cải tạo các không gian thành không gian xanh, hữu ích cho cộng đồng.

Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết: “Xuất phát từ mong muốn thí điểm Giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng của quận Hoàn Kiếm, chúng tôi đã đề xuất mô hình công viên rừng, trong đó, chủ thể của việc cải tạo không gian, gìn giữ chính là người dân. Chính quyền đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ về mặt thủ tục và huy động, kết nối các đoàn thể của địa phương như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tham gia.

Với Công viên rừng Phúc Tân, việc triển khai thuận lợi, nhanh chóng hơn vì có sự tham gia của nhà tài trợ là Chiến dịch HiGreen - Bình minh xanh của Ngân hàng Quân đội (MB Bank). Tuy nhiên, công viên không thể ra đời nếu không có bàn tay của cộng đồng ngay từ ban đầu, từ việc dọn rác cho đến trồng cây…”.

Coi cộng đồng là chủ thể, cho nên ngay từ khâu chuẩn bị, Think Playgrounds đã họp bàn với đại diện chính quyền, các đoàn thể cũng như người dân để tạo sự thống nhất và đồng thuận cao. Khi hiểu ý nghĩa của công viên, hiểu lợi ích nó đem lại cho cộng đồng, người dân đã tích cực tham gia. Hàng trăm người dân và thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh phường Phúc Tân cùng các tình nguyện viên đã chung tay dọn dẹp rác thải, trồng cây, kiến tạo khu vườn cộng đồng.

Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ: “Khi quận Hoàn Kiếm và phường Phúc Tân có chủ trương xóa bãi rác để xây sân chơi, chúng tôi cùng các đoàn thể vận động người dân trả lại mặt bằng. Mọi người đều nhanh chóng đồng ý và cùng tham gia dọn rác để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thiết kế triển khai thực hiện”. Khác với những mô hình công viên trước đây, mô hình công viên rừng chú trọng tận dụng các loài cây tự nhiên, kết hợp với cây trồng mới để bảo đảm đa dạng sinh học; chú trọng cây bụi bản địa phục hồi đa dạng sinh thái ven sông theo nguyên lý vườn rừng.

Nhờ thế, công viên rừng không chỉ là nơi vui chơi, giải trí cho con người, mà còn là nơi các loài động vật khác có thể “chung sống” với con người, nhất là các loài chim. Ngoài ra, Công viên còn chú trọng đến khả năng tiếp cận cho người khuyết tật, làm lối đi dành cho xe lăn để mọi đối tượng có thể tham gia.

Khởi công từ đầu tháng 11/2023, đến đầu năm 2024, Think Playgrounds đã chính thức bàn giao công viên lại cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trước đó Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và các cộng sự đã mất cả một khoảng thời gian dài để lên kế hoạch, khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng, họp bàn với cộng đồng... Để rồi hôm nay, bãi rác xưa đã thành công viên rộng hơn 1.000m2, bao gồm các hạng mục như khu xích đu, sân bóng rổ, bãi cát, vườn hoa, đường tiếp cận xe lăn...

Dự kiến, thời gian tới, Ủy ban nhân dân phường Phúc Tân và quận Hoàn Kiếm mở rộng công viên thêm khoảng 6.000m2. Đáng nói hơn, đây mới là giai đoạn đầu trong kế hoạch cải tạo không gian sinh thái dọc bờ vở sông Hồng thành những không gian hữu ích cho cộng đồng. Thành công của mô hình công viên rừng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với sự tham gia của cộng đồng mở ra hướng đi mới trong huy động nguồn lực cộng đồng kiến tạo những không gian xanh, hữu ích; đồng thời, san sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước trong đầu tư.