Khâm Thiên vượt qua nỗi đau chiến tranh

50 năm trôi qua sau đêm máy bay B-52 rải thảm, từ đống đổ nát, người dân phố Khâm Thiên ngày ấy đã đứng dậy, vượt qua thương đau, mất mát, tạo dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, sung túc hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Vũ Xuân Trường thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đêm 26/12/1972.
Ông Vũ Xuân Trường thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm trên phố Khâm Thiên tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong đêm 26/12/1972.

Đài tưởng niệm Khâm Thiên được xây dựng từ năm 1973 trên nền ba căn nhà số 47, 49, 51 phố Khâm Thiên bị xóa sổ hoàn toàn trong trận bom do máy bay B-52 rải thảm đêm 26/12/1972, thâm nghiêm dưới bóng của những cây hoa đại. Trận bom của kẻ thù trút xuống đã làm gần 550 ngôi nhà bị sập, 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, hơn 500 người đã mất và bị thương.

Thắp nén nhang tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống trong đêm tang thương đó, ông Vũ Xuân Trường, 72 tuổi, ở số 339 ngõ Văn Chương xúc động hồi tưởng về những ký ức đã hằn sâu. Khi đó, ông Trường mới 22 tuổi, là cảnh sát khu vực Khối 47, Đồn số 42, Công an Khu phố Đống Đa, được phân công phụ trách gần 300 hộ dân ở Khối 47. Ông Trường kể lại: Từ ngày 18/12/1972, không quân Mỹ liên tục rải bom ở khu vực Hà Nội. Vì vậy, tối nào ông cùng các chiến sĩ trong đơn vị cũng đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động nhân dân đi sơ tán, nhắc nhở người dân vào các hầm trú ẩn mỗi khi có báo động.

Đêm 26/12/1972, khi đang làm nhiệm vụ tại địa bàn, ông đã may mắn thoát chết khi kịp xuống hầm trú ẩn lúc máy bay B-52 rải thảm. Ông nhớ lại: “Sau loạt tiếng nổ rung chuyển cả đất trời và những luồng ánh sáng tóe lửa, tôi bò ra khỏi hầm và xót xa khi nhìn thấy nhà cửa toàn khu phố đã đổ nát, chìm trong khói lửa. Tôi nghe thấy tiếng người dân kêu cứu vọng lại. Chẳng màng đến những bom nổ chậm hay bom bi, trèo qua đống đất đá, lần theo tiếng kêu cứu, tôi cùng các chiến sĩ lao xuống cứu những người bị nạn”.

Ông Trường không nhớ nổi đêm hôm đó đã cõng, đưa bao nhiêu người ra khỏi đống đổ nát, cho đến khoảng 1-2 giờ sáng, ông mới quay về đồn. Sau đêm hôm đó, liên tục gần một tháng trời, ông Trường cùng các chiến sĩ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho dân, cùng nhân dân khắc phục, ổn định cuộc sống để đón Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973.

Ngồi trong căn nhà ở tầng hai số 68 phố Khâm Thiên, chỉ tay về phía những vết nứt dài trên bức tường bạc màu cùng cánh cửa cũ kỹ, bà Nguyễn Bích Phượng cho biết: Sau đợt ném bom rải thảm, người dân khu phố Khâm Thiên với sự trợ giúp của nhiều lực lượng đã bắt đầu cuộc sống mới từ đống đổ nát. Những căn nhà tạm lợp bằng giấy dầu được dựng lên, nhà bị sập một nửa hoặc nứt vỡ được sửa lại để tiếp tục sống… 50 năm trôi qua, khu phố Khâm Thiên giờ đã thay đổi rất nhiều. Đường phố khang trang với nhiều nhà cao tầng kiên cố mọc lên san sát.

Đời sống người dân được cải thiện. Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên Hoàng Quang Khải cho biết: Dù ở bất kỳ thời điểm nào, trong chiến tranh hay hòa bình, người dân phố Khâm Thiên luôn đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ, chính quyền phường Khâm Thiên luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, không ngừng cải thiện vật chất và tinh thần. Hiện nay, phường Khâm Thiên không còn hộ nghèo, thu nhập của người dân được nâng cao.

Các phong trào thi đua, hoạt động xã hội trên địa bàn phường phát triển mạnh. Năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội của phường Khâm Thiên đạt kết quả tốt. Tính đến hết tháng 10/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn phường đạt hơn 8,1 tỷ đồng, đạt 106,8%. Văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện các chính sách đối với người, gia đình có công với cách mạng và chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, phường phối hợp Tập đoàn Xăng dầu tặng 37 suất quà tới các gia đình bị thiệt hại, tổn thất trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.