Khai thác dư địa thúc đẩy ngành công nghiệp du thuyền

Sông Sài Gòn ôm trọn Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 80 km được ví như viên ngọc trong lòng thành phố. Địa thế thuận lợi đó tạo ra nhiều dư địa để thành phố phát triển kinh tế, dịch vụ liên quan khi các điều kiện về cơ chế, cơ sở hạ tầng được đồng bộ một cách cao nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Lợi thế về địa thế, điều kiện hạ tầng giúp Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển ngành công nghiệp du thuyền. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Lợi thế về địa thế, điều kiện hạ tầng giúp Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển ngành công nghiệp du thuyền. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Khả năng tiếp cận biển và liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận là nhân tố quan trọng, điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các bến du thuyền hiện đại. Đây là một ngành công nghiệp mới, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Nhiều tiềm năng để khai thác

Theo thống kê, thành phố hiện có 1.100 km đường sông. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác hiệu quả sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ và dẫn dắt nhiều ngành kinh tế cùng phát triển. Một dự án về tuyến đường ven sông Sài Gòn để phát triển giao thông liên vùng, kết nối với toàn vùng Đông Nam Bộ đã được ngành giao thông đề xuất.

Nếu dự án được thực hiện sẽ mở ra hướng mới phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông. Quỹ đất dọc bờ sông cũng sẽ được khai thác hiệu quả phục vụ việc kết nối các ngành kinh tế khác.

Ngoài ra, tuyến đường này cũng sẽ kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3, 4, tạo nên một trục hướng tâm; cùng với các Quốc lộ 22, 13, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố lân cận.

Theo đó, thành phố có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với hơn 100 tuyến, khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Những hạ tầng này sẽ mở ra tiềm năng, lợi thế cho thành phố khi hướng đến phát triển ngành du lịch đường thủy, công nghiệp du thuyền.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 45 doanh nghiệp du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch thành phố. Năm 2018, thành phố đón 845.400 lượt khách; năm 2019 là 786.700 lượt khách; năm 2020 là 297.600 lượt khách và năm 2023 từng bước xúc tiến đẩy nhanh các sản phẩm để tiếp tục thu hút du lịch đường thủy.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển ngành công nghiệp du thuyền không chỉ mang lại nguồn thu cho thành phố mà còn góp phần vào việc thu hút khách du lịch, tạo cơ hội cho nhiều lĩnh vực khác phát triển. Nhìn rộng ra, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có vị trí tuyệt vời để trở thành trung tâm hàng hải quốc tế, phát triển mạnh tàu, du thuyền giải trí. Lợi thế đó, cộng thêm việc Việt Nam có nguồn nhân lực tay nghề cao là điều kiện rất thích hợp để phát triển ngành đóng tàu. Những năm qua, các công ty đóng tàu như Corsair Marine, Yanmar, Yamaha... đều đã đến và đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Cần cơ chế, hạ tầng đồng bộ

Trong đợt khảo sát mới đây của Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, có phương tiện, có bến tàu thuận lợi chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế trên trục đường biển Singapore-Hong Kong. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đề xuất thành phố tháo gỡ vướng mắc trong việc giao, cho thuê đất để xây dựng bến thủy nội địa. Bên cạnh đó, du lịch biển chưa có nhiều dịch vụ bổ sung nên thời gian lưu trú của khách rất ngắn.

Ông Richard Ward, CEO Công ty TNHH Corsair Marine International cho rằng: Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Việt Nam lại đang thiếu các mặt bằng đất đai có mặt nước để làm kho, xưởng đóng tàu. Đây là khó khăn lớn và rất khó giải quyết. Corsair Marine là hãng du thuyền ba thân danh tiếng đã chuyển cơ sở sản xuất từ San Diego, Mỹ đến hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2007. Hiện đơn hàng của công ty này đã kín đến năm 2029; từ đó, công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tìm được mặt bằng. Để bảo đảm sản xuất, giữa năm 2023, công ty đã quyết định chuyển hướng mở nhà máy sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Một vướng mắc khác mà nhiều doanh nghiệp than thở là vấn đề giao-nhận, thử thuyền buồm. Nhiều khách hàng thường muốn đến nhà máy ở Việt Nam để nhận thuyền rồi giong thẳng ra biển về nước. Tuy nhiên, quy định đối với thuyền buồm còn vướng mắc nên công ty đành hẹn khách nhận thuyền tại biển Pattaya (Thái Lan).

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức chia sẻ: Hiện nay, thành phố có khoảng 300 du thuyền, ca-nô nhưng việc đăng kiểm gặp rất nhiều vướng mắc. Hành lang pháp lý cho ngành du thuyền còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ sản xuất cho đến vận hành.

Ông Việt nêu thí dụ: Khách hàng đặt một du thuyền hạng sang phục vụ dự án tại Nha Trang. Tàu hoàn thành 100% nhưng không thể đăng kiểm vì nhiều lý do khác nhau. Những vấn đề như vậy cần sớm được tháo gỡ. Ngoài ra, thành phố cần khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng du lịch để nâng cấp thành bến du thuyền; đồng thời, có nhiều chính sách để thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư để khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư, khai thác các tiềm năng mà sông Sài Gòn đem lại.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hữu Ân, Phó Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch thành phố cho rằng: Để khơi thông dư địa của ngành công nghiệp còn mới mẻ này, cần có sự thống nhất, đồng bộ liên ngành; trong đó, thành phố cần mở rộng quy định cho doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư bến bãi. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của các ngành liên quan để có hướng đi đồng bộ bảo đảm quy hoạch, bảo vệ môi trường nước, tính toán độ tĩnh không của các cầu để quy hoạch lộ trình cho các loại tàu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử thành phố cho rằng: Hiện có nhiều doanh nghiệp tâm huyết, sẵn sàng phát triển kinh tế đường sông gắn với lợi ích cộng đồng. Chúng ta không nên nhìn bờ sông Sài Gòn chỉ để phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng và hài hòa các lợi ích khác. Khi đó, phát triển không gian đôi bờ sẽ tạo được một không gian cho du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc của dòng sông.