“Kéo” khách trở lại bến xe

Mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên, tài xế, phụ xe,... những giải pháp này đang được các bến xe tại Hà Nội quyết liệt thực hiện để “kéo” khách trở lại bến nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng chờ tại Bến xe Mỹ Đình được đầu tư khang trang, hiện đại hơn.
Phòng chờ tại Bến xe Mỹ Đình được đầu tư khang trang, hiện đại hơn.

Phải đến mấy năm nay anh Vũ Thanh Niên (ở phường Xuân La, quận Tây Hồ) mới đến Bến xe Mỹ Đình để đi xe khách lên Lào Cai. Khi được bạn bè rủ, anh Niên khá ngại ngần bởi nhiều ám ảnh về bến xe khách, từ nhà vệ sinh vừa bẩn, vừa hôi, rồi bị nhân viên các nhà xe chèo kéo đến khó chịu. Được bạn bè động viên mãi, anh mới “thử” quay lại một lần xem có đúng là có nhiều đổi mới như mấy người bạn quảng cáo không. Đến rồi, anh khá ngạc nhiên bởi sự khang trang, sạch đẹp từ phòng chờ đến… khu vệ sinh. Thái độ của nhân viên bến xe và các nhà xe đều nhẹ nhàng, niềm nở. “Cứ như thế này, mọi người sẽ quay lại bến”, anh Niên nói.

Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Doãn Anh Pháp cho biết, sau thời điểm xảy ra dịch Covid-19, rồi trước sự cạnh tranh gay gắt của xe hợp đồng, xe ghép, hoạt động của các bến xe gặp rất nhiều khó khăn. Như tại Bến xe Mỹ Đình, trước kia mỗi ngày có khoảng 800-900 lượt xe ra, vào bến, nhưng hiện chỉ đạt hơn 70% con số đó. “Chính vì thế, đơn vị phải nâng cao chất lượng phục vụ để cứu lấy chính mình”, ông Pháp nói.

Cùng với việc đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà chờ, khu vệ sinh, bến cũng đề ra hàng loạt giải pháp từ đổi mới công nghệ quản lý đến thái độ, ứng xử của nhân viên bến xe và lái xe, phụ xe. Nhờ đó, hình ảnh bến xe thân thiện, khang trang đã từng bước được xây dựng, được hành khách đánh giá tốt và có doanh nghiệp vận tải vốn có thời gian hoạt động bên ngoài, nay đã quay lại bến xe.

Không chỉ tại Bến xe Mỹ Đình, ghi nhận tại các bến xe lớn khác trên địa bàn Thủ đô như Giáp Bát, Gia Lâm cũng cho thấy diện mạo, chất lượng có nhiều chuyển biến. Xe vào bến, xuất bến trật tự, nền nếp. Các quầy bán vé niêm yết công khai, rõ ràng luồng tuyến, giá vé. Nhân viên bán vé sẵn sàng giải đáp nhiệt tình, chu đáo khi hành khách yêu cầu. Trong sân bến xe không còn cảnh hàng rong, “cò mồi” đeo bám khách. Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhằm bảo đảm không phát sinh hiện tượng mất an ninh trật tự.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, hoạt động vận tải liên tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân. Bên cạnh đó, nhiều hành khách vẫn có ấn tượng chưa tốt về môi trường bến xe và chất lượng dịch vụ của xe khách liên tỉnh. Những điều này khiến doanh nghiệp đánh mất thị phần của mình cho các loại hình dịch vụ vận tải khác. Vì vậy, muốn thu hút được hành khách đi xe liên tỉnh thì chất lượng phục vụ của bến xe, của nhà xe phải được đổi mới và nâng cao để đáp ứng yêu cầu của hành khách.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho rằng: “Dù chưa thể hiện đại hẳn, tốt hẳn, nhưng chất lượng phục vụ của bến xe cũng phải tiệm cận những yêu cầu đó. Xe hợp đồng, rồi xe ghép chuyển trạng thái rất nhanh để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt về thị phần vận tải, các bến xe và các nhà xe chạy tuyến cố định cũng phải nhìn nhận một cách sòng phẳng là nếu không thay đổi về chất lượng, công nghệ cũng như thái độ phục vụ thì chắc chắn sẽ tiếp tục mất khách”. Nếu kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ từ nhà xe đến bến xe, sẽ vẫn có lượng khách nhất định. Xác định rõ yêu cầu đó, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, khang trang hơn. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng được yêu cầu phải tốt hơn.

Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát Trần Mạnh Hà cho biết, bến thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao công tác chuyên môn, nhất là kinh nghiệm ứng xử cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và lái xe, phụ xe. Về an ninh trật tự, trước đây, có những thời điểm, tình trạng “cò mồi” và bán hàng rong gây bức xúc cho hành khách và nhà xe.

Mặc dù bến xe và các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt ra quân xử lý, nhưng sau mỗi đợt cao điểm, tình trạng trên lại tái diễn. Nhờ sự phối hợp của chính quyền địa phương, Công an quận Hoàng Mai và Công an phường Giáp Bát, đến nay, hiện tượng “cò mồi” và hàng rong cơ bản đã được xử lý, an ninh trật tự từng bước được đưa vào nền nếp, từ đó mang đến tâm lý yên tâm cho hành khách, nhà xe.

Các bến xe đều đã đầu tư hệ thống camera hiện đại, có chức năng chiếu chụp, đọc biển số tại cổng bến tương tự như các trạm thu phí không dừng, giúp bảo đảm tính minh bạch, giảm bớt các đầu mối trung gian và hỗ trợ cho các đơn vị vận tải rút gọn thời gian, thủ tục. Nhà xe có thể nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục và khởi hành đúng giờ. Thời gian xử lý thủ tục cho mỗi chuyến xe xuất bến được rút ngắn và bảo đảm tính chính xác cao.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, để hệ thống vận tải hành khách tuyến cố định ngày một hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của hành khách, ngoài thay đổi từ các bến xe, các đơn vị vận tải cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ của mình. Trong đó, các nhà xe cần chú trọng đầu tư, nâng cấp phương tiện và đào tạo đội ngũ nhân viên văn minh, lịch sự hơn. Có như vậy, các bến xe mới có thể “kéo” khách trở lại được.