Kè sinh thái chống sạt lở

Năm 2010, đồng bằng sông Cửu Long mới có 99 điểm sạt lở, đến nay con số đã tăng gấp 7,5 lần với hơn 750 khu vực sạt lở. Trước thực trạng này, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để phòng, chống, trong đó mô hình kè sinh thái đang được triển khai hiệu quả tại Hậu Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Kè sinh thái dọc tuyến sông huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Kè sinh thái dọc tuyến sông huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Mức độ nguy hiểm của sạt lở là quá rõ, khi có thể khiến nhiều gia đình mất đi nhà cửa, ruộng vườn hay kế sinh nhai chỉ sau giây lát, thậm chí đe dọa cả tính mạng. Vì vậy, tìm giải pháp làm kè chống sạt lở hiệu quả luôn là vấn đề bức thiết của đồng bằng sông Cửu Long.

Hiệu quả giữ đất và kinh tế

Kè sinh thái chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi mang lại lợi ích cả kinh tế và môi trường. Tháng 5/2022, mô hình này được triển khai tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Thời điểm đó, số lượng cây xanh được trồng gồm 5.000 cây tràm và 100 cây dừa; tổng kinh phí thực hiện 170 triệu đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Chỉ sau thời gian ngắn, mô hình đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ bờ kênh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Từ việc thí điểm ban đầu, nay chính quyền địa phương đã vận động người dân kè mé, trồng cây, làm kè sinh thái ở nhiều địa bàn khác.

Trước đây, nhắc đến khu vực ấp 1B, người dân thường xuyên sống trong lo lắng vì tình trạng sạt lở, sụp lún cả con đường gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu. Còn hiện tại, những hàng cây bần, cây tràm được bà con trồng dọc theo bờ kênh phát triển xanh tốt, cao hơn 3m. Chủ tịch UBND thị trấn Một Ngàn Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, lúc đầu bà con còn e ngại vì nghĩ làm kè xi-măng mới bền chắc, sợ kè sinh thái không bảo đảm. Trong quá trình thực hiện được địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho nên bà con yên tâm phấn khởi vì kè sinh thái vừa giúp giữ đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Phượng ở thị trấn Một Ngàn vui vẻ: "Trước kia kênh này nhỏ, tàu xe chạy nhiều gây sạt lở, chúng tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến nhà mình. Sau được Nhà nước hỗ trợ làm bờ kè cho nên không bị lở nữa, mọi người rất vui mừng".

Hậu Giang là vùng đất có địa hình trũng thấp, lòng chảo, hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt với tổng chiều dài gần 3.500km. Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông ở đây diễn ra phức tạp. Từ thực tế đó mà mô hình kè sinh thái được Chi cục Thủy lợi tỉnh nghiên cứu, triển khai thí điểm tại một số tuyến kênh cấp 1, cấp 2 có biên độ triều dưới 2m; khởi điểm là ba mô hình với chiều dài 380m tại huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy với kinh phí khoảng 350 triệu đồng, vận động từ nguồn xã hội hóa. Sau một thời gian, đánh giá những ưu điểm tích cực, kè sinh thái đã được UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất cho chủ trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh trong chiến dịch giao thông nông thôn, thủy lợi và trồng cây hằng năm. Chỉ tính riêng tại huyện Phụng Hiệp, đến cuối năm 2021, toàn huyện đã xây dựng hơn 50.000m2 kè sinh thái, kinh phí hơn 5 tỷ đồng, phần lớn đều do người dân thực hiện. Không chỉ dùng đất để gia cố những điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở, nhiều hộ gia đình đã trồng tràm, bần để giữ đất, còn tận dụng phần kè trống trồng thêm rau và dừa kết hợp trồng cây xanh làm hàng rào hai bên lề lộ. Qua đó, giá trị cây trồng mang lại cao gấp 2-3 lần so với chi phí đầu tư ban đầu, tạo thêm thu nhập ở nông thôn. Ông Võ Văn Tuấn ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp cho biết, sau khi trồng cây được ba năm cũng có thu nhập, cho nên ông vận động bà con rủ nhau làm cả tuyến cho đẹp.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Theo Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, kỹ thuật để làm kè sinh thái chống sạt lở khá đơn giản, các hộ dân đều có thể tự làm. Ðầu tiên là gia cố một lớp hàng rào cừ tràm, cây tre với biên độ khoảng 5 cây/m; cách bờ kênh từ 2-3m. Sau đó là tấm mê bồ, lưới cước và vét đất dưới kênh đắp vào phía trong. Trồng cây tràm, bần tại nơi tạo lớp đất đắp, và trồng hàng cây có giá trị kinh tế như cà na, dừa ở bên trong. Sau khoảng 2-3 năm khi thu hoạch tràm cũng là lúc cây bần, cà na, dừa đã phát triển, đủ sức bảo vệ mái kênh và chống sạt lở tốt hơn. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang Trần Thanh Toàn cho biết, sau ba năm triển khai từ nguồn xã hội hóa, đến nay mô hình đã phát triển tốt hơn, được bà con rất ủng hộ. Chi cục đã tham mưu các sở, ngành, UBND tỉnh lồng ghép vào chiến dịch giao thông thủy lợi trồng cây hằng năm. Cụ thể năm 2018 thực hiện được 28km, năm 2019 được 148km; cố gắng thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn.

Mặc dù mang đến nhiều hiệu quả thực tiễn, nhưng để công tác phòng, chống sạt lở hiệu quả cần có sự tham gia tích cực từ người dân. Mặt khác, kè sinh thái tuy thích hợp thực hiện trên các tuyến sông, kênh ở vùng nông thôn nhưng cũng tùy vào khu vực có biên độ triều, cấp kênh, lưu lượng tàu thuyền lưu thông khác nhau mà có tính toán triển khai phù hợp. Chủ tịch UBND thị trấn Một Ngàn Nguyễn Thị Thúy Hằng thông tin: Năm 2023, địa phương sẽ triển khai nhân rộng mô hình khoảng 2.000m với đoạn ngoài tuyến kênh ấp 1B và 1 phần ấp Nhơn Xuân để tiếp tục kè đoạn làm rồi và đoạn chưa làm có nguy cơ sạt lở. Ðối với hộ khó khăn sẽ hỗ trợ cây tràm, cừ, cước và đất; với hộ có điều kiện thì Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ông Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Ðại học Cần Thơ nêu giải pháp: Cần triển khai thêm nhiều mô hình để người dân thấy được lợi ích, tạo được lợi nhuận trên đất giữ kè của dân. Ðịa phương và nhà nghiên cứu cần hướng dẫn kỹ thuật, có mô hình phù hợp, tìm nhiều kiểu thiết kế kè. Cần sử dụng vật liệu địa phương để nhân dân dễ thực hiện; thiết kế những điểm nhấn trên kè để không đơn điệu. Trồng các loại cây tràm, bần, sạ, hoa để tạo cảnh quan và sử dụng làm vật liệu xây nhà…