Trong nhiệm kỳ tới, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội diễn ra trong điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng đang tiếp tục phát triển, tạo điều kiện để đội ngũ công nhân lao động ngày càng lớn mạnh, việc làm, thu nhập được bảo đảm.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cũng đang có không ít khó khăn, thách thức. Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; quan hệ lao động ngày càng phong phú, phức tạp với sự xuất hiện của các tổ chức đại diện khác của người lao động.
Sự phát triển vượt bậc của khoa học-công nghệ cũng tác động mạnh mẽ đến việc làm; bên cạnh đó là những yêu cầu bức thiết về ổn định việc làm, thu nhập, nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết: “Hiện nay, dù dịch Covid-19 đã đi qua, nhưng doanh nghiệp vẫn còn chịu ảnh hưởng do bị giảm đơn hàng, sản xuất đình trệ, nhất là từ cuối năm 2022 đến nay. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Công đoàn Thủ đô đưa ra giải pháp để bảo đảm, ổn định việc làm cho người lao động”.
Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy Hà Phương Anh mong muốn tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục sát cánh cùng người lao động, quan tâm đồng đều tới cả những người lao động làm việc tại doanh nghiệp không nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Quan tâm, lắng nghe những mong muốn của đoàn viên, người lao động, trong nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đặt ra mục tiêu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở dành thời gian đi cơ sở, đến với công nhân, nơi có nhiều khó khăn theo phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.
Trong công tác thi đua, nội dung, hình thức phải thiết thực, gắn với nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp từng khu vực, đối tượng và điều kiện thực tiễn; hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khơi dậy sự sáng tạo trong lao động; tôn vinh các mô hình, sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.
Các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội sẽ chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể thao, đáp ứng nhu cầu của công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động ở các khu công nghiệp nói riêng…
Trong 5 năm tới, Công đoàn Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho đoàn viên, công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động.
Để phát huy vai trò, sức mạnh của tổ chức công đoàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp công đoàn phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu.
Các phong trào cần hướng về cơ sở, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp. Các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp chính quyền quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ đoàn viên, công nhân, người lao động phát triển toàn diện, sẵn sàng tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa năng suất lao động của Hà Nội đứng đầu cả nước.
“Từng cấp công đoàn phải thường xuyên tổ chức tốt công tác đối thoại ngay tại cơ sở và nắm bắt kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đời sống văn hóa, tinh thần... Qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; kịp thời tham mưu, đề xuất với thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật nhằm động viên kịp thời cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.