Hướng đến nền nông nghiệp đô thị bền vững

Ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 70% diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị, hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch dưa lưới (trồng theo mô hình công nghệ cao) tại huyện Củ Chi.
Thu hoạch dưa lưới (trồng theo mô hình công nghệ cao) tại huyện Củ Chi.

Từ những thành tựu trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp.

Khẳng định vị thế

Hiện, nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Trải qua quá trình phát triển gần 20 năm, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đã đạt được rất nhiều thành công, khẳng định vị thế. Nông nghiệp công nghệ cao của thành phố hiện đang đứng trước nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội lớn để phát triển và tiếp tục khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này.

Tính đến nay, thành phố có khoảng 700 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm hơn 0,3% trong tổng số khoảng 216.640 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này, hai doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố có hơn 60 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, bảy doanh nghiệp đang trong giai đoạn tiền ươm tạo, 27 doanh nghiệp giai đoạn ươm tạo chính thức và 27 doanh nghiệp đã tốt nghiệp.

Do quá trình đô thị hóa, trên địa bàn thành phố, diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha. Tuy nhiên, giá trị sản xuất trên 1 ha đất vẫn tăng hằng năm. Năm 2015 giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/ha/năm. Tính chung cả giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Theo các chuyên gia, những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đi đúng hướng và phù hợp với sự phát triển chung của thành phố. Tiến sĩ Phạm Ðình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố xác định tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực này trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ để vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Qua đó, thành phố đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao... Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030”, đây là định hướng để tập trung nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”.

Cần giải pháp đồng bộ

Nông nghiệp công nghệ cao của thành phố vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế nhất định nếu so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước nói chung và thành phố nói riêng với các chuỗi cung ứng chưa tốt; chưa hình thành được đầy đủ các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị đủ lớn và đủ mạnh cho các mặt hàng, sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố.

Những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản, nguồn gốc xuất xứ, các rào cản kỹ thuật tạo nên những thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hệ thống chính sách, giải pháp về phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng ban hành nhiều nhưng vẫn còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả. Người sản xuất khó tiếp cận chính sách về hỗ trợ tín dụng, đầu tư cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo Trang, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng: Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng khi rà soát tổng thể, vẫn còn nhiều khía cạnh, lĩnh vực này còn chưa có cơ chế, chính sách phù hợp. Ðể có thể tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, việc hoàn thiện chính sách và pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này là một bước quan trọng.

Cần xây dựng một khung pháp luật và quy định rõ ràng về việc áp dụng, phát triển và quản lý nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố cần đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực; khuyến khích nghiên cứu và phát triển; khuyến khích hợp tác công tư; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao...

Chính quyền thành phố xác định, nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn tới. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 70% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ðinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh

Ðể đạt được mục tiêu này, cần tập trung phát triển khoa học-công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời tập trung các giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm sản xuất giống cây, con chất lượng cao. Việc này vừa đáp ứng nhu cầu của thành phố vừa cung cấp cho các địa phương phía nam và xuất khẩu, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Việc sản xuất giống cây, con phải ứng dụng khoa học-công nghệ mới tạo ra nguồn giống chất lượng, giúp nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng.