Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số học nghề và kết nối việc làm

NDO- Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham gia lớp học nghề ngắn hạn do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang phối hợp trường nghề tổ chức giúp nhiều thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn có việc làm ổn định, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi học nghề điện lạnh, anh Trần Anh Vũ (bên trái) làm chủ kinh tế với thu nhập tăng cao.
Sau khi học nghề điện lạnh, anh Trần Anh Vũ (bên trái) làm chủ kinh tế với thu nhập tăng cao.

Phó Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên Trần Kiên Giang cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, huyện An Biên đã tổ chức thành công 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 200 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Các lĩnh vực đào tạo gồm điện dân dụng, điện lạnh, trang điểm, kỹ thuật xây trát công trình, tin học văn phòng.... với kinh phí tổ chức khoảng 500 triệu đồng. Việc đào tạo nghề ngắn hạn giúp nhiều lao động nông thôn, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số nâng cao tay nghề, có thêm kiến thức, dễ dàng tìm kiếm việc làm, mạnh dạn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương thay vì bôn ba mưu sinh ở đất khách”.

Là 1 trong 30 học viên dân tộc thiểu số vừa hoàn thành khóa học kỹ thuật xây trát công trình do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang tổ chức, Danh Thanh Vĩ (18 tuổi), ngụ ấp Bào Môn, xã Hưng Yên, huyện An Biên đã có việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn trước.

Danh Thanh Vĩ chia sẻ: “Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên em nghỉ học sớm, em đi làm thuê để phụ giúp kinh tế gia đình. Trước đây, em làm phụ hồ được trả công 200.000 – 230.000 đồng/ngày nhưng sau thời gian tham gia học nghề thù lao của em đã được tăng lên 250.000 -300.000 đồng/ngày. Bởi vì sau 4 tháng học nghề, em đã thành thạo các kỹ thuật xây móng, tường, tô trát, ốp gạch… Em còn nắm rõ quy trình thi công, đọc hiểu bản vẽ và tính được vật tư xây dựng một công trình. Thời gian tới, em cố gắng làm việc, tích luỹ kinh nghiệm để có thể tự nhận công trình để làm”.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Anh Vũ (29 tuổi) ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên trở về địa phương học nghề ở cơ sở sửa chữa điện lạnh. Đầu năm 2023, với một số kinh nghiệm được chủ truyền lại anh mở một cơ sở sửa chữa điện lạnh tại nhà. Nhận thấy kinh nghiệm và kiến thức làm nghề còn thiếu, buổi tối anh tranh thủ tham gia lớp học nghề điện lạnh do địa phương tổ chức. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, tay nghề anh được nâng cao, khách hàng tìm đến đông hơn, anh mạnh dạn nhận học viên đến học nghề.

Anh Vũ chia sẻ: “Trước khi tham gia lớp học nghề ngắn hạn, tôi chỉ sửa chữa được những vật dụng bị hư đơn giản, sau khi được học nghề bài bản tôi nắm rõ những kỹ thuật tháo lắp, điện, linh kiện, sửa chữa vật dụng nhanh hơn. Từ đó, cơ sở trở thành một địa chỉ uy tín, chất lượng, khách hàng ngày càng đông, nâng doanh thu lên gần 30 triệu đồng/tháng. Tôi vừa nhận 4 học viên học nghề tại cơ sở.”

Theo Phó Bí thư Xã đoàn Hưng Yên Trần Gia Bảo, hiện đa số thanh niên trên địa bàn đi làm ăn xa, các thanh niên còn lại chủ yếu làm thuê theo thời vụ, chưa có chuyên môn và tay nghề nên việc làm không ổn định. Trước thực trạng đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh mở 2 lớp nghề điện lạnh và kỹ thuật xây trát công trình cho lao động nông thôn trên địa bàn xã.

Các lớp dạy nghề đều miễn phí, học viên là dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí ăn và đi lại cho nên thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia học. Với sự năng động, nhạy bén của tuổi trẻ, kết thúc các lớp đào tạo nghề, đa số các bạn tìm được việc làm, mở cơ sở riêng, nâng cao thu nhập. “Thời gian tới, xã Hưng Yên mong rằng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên sẽ tiếp tục quan tâm mở thêm nhiều lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn cũng như các bạn đoàn viên, thanh niên”, Phó Bí thư Xã đoàn Hưng Yên Trần Gia Bảo nói.

Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số học nghề và kết nối việc làm ảnh 1

Lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên khảo sát tình hình sau học nghề điện lạnh tại cơ sở của anh Trần Anh Vũ.

Xác định lao động nông thôn nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023. “Huyện An Biên cũng sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, giúp thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định, vươn lên xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống”, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Biên Trần Kiên Giang cho biết thêm.