Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương

Vươn lên từ gian khó, từ mảnh đất còn oằn mình vì vết thương bom đạn, các cựu chiến binh Vĩnh Linh, Quảng Trị đã tỏa sáng tấm gương người lính bộ đội Cụ Hồ, cùng nhau phấn đấu làm kinh tế, giúp nhau làm giàu trên quê hương. Hơn 40 mô hình làm kinh tế giỏi của các cựu chiến binh là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần ấy.

Cựu chiến binh giỏi làm kinh tế

Huyện Vĩnh Linh có 8.985 cựu chiến binh, đông nhất trong toàn tỉnh. Thực hiện phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” các cấp Hội Cựu chiến binh đã có những cuộc vận động, phát huy tiềm năng, trí tuệ của các hội viên, hỗ trợ các hội viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…

Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh và là huyện thứ 2 trên cả nước có Câu lạc bộ cựu chiến binh phát triển kinh tế. Hiện Vĩnh Linh có 14 câu lạc bộ cựu chiến binh làm kinh tế cấp xã, thị trấn/18 xã, thị trấn, thu hút trên 500 thành viên tham gia.

Nhiều mô hình kinh tế của cựu chiến binh có cách làm sáng tạo… trong đó có nhiều mô hình kinh tế được đánh giá là độc đáo, duy nhất của tỉnh Quảng Trị.

Theo chân đại tá Trần Thanh Chương, Ủy viên Ban thường vụ Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Vĩnh Linh, chúng tôi được tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi của cựu chiến binh huyện. Ở tuổi không còn trẻ, quanh mốc 60-70, nhưng những cựu chiến binh nơi đây làm kinh tế rất giỏi, giàu ý tưởng và có nhiều sáng kiến thiết thực, cùng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, có không ít cựu chiến binh là đồng bào dân tộc.

Anh Hồ Văn Tuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh còn rất trẻ. Năm 2023, sau khi xuất ngũ, anh về quê và đảm nhiệm nhiều vị trí như: Bí thư Chi đoàn, cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Từ tháng 5/2021 đến nay, anh làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Ô.

Không chỉ phát triển kinh tế cá nhân với việc tập trung 4 ha rừng tràm, chăn nuôi 3 con trâu, 3 con bò, anh cũng đang chuyển hướng thử nghiệm trồng bưởi da xanh.

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương ảnh 1

Đại tá Trần Thanh Chương, Ủy viên Ban thường vụ Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Vĩnh Linh.

Là người dân tộc Vân Kiều, anh cũng đau đáu lưu giữ lại những nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Vì thế, khi UBND xã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Vĩnh Ô, giao Hội Cựu chiến binh xã quản lý, anh rất nhiều trăn trở.

Anh chia sẻ, số người biết làm, biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều, như: cồng, chiêng, trống Xi cơn, sáo Klui... rất ít. Vì thế, để bảo tồn nhạc cụ truyền thống, anh đã dành nhiều thời gian để gặp các già làng, những nghệ nhân còn ít ỏi ở quê hương để duy trì, phát triển câu lạc bộ tốt nhất.

Nhờ sự nỗ lực của anh Tuân và những thành viên trong câu lạc bộ mà hiện nay trong xã có trên 60 người đánh được các loại nhạc cụ. Điều đáng mừng là số người trẻ đam mê và biết đánh cồng chiêng ngày càng nhiều.

Mới đây, anh Tuân cùng Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ, vận động hội viên tham gia trồng chuối VietGAP tại Hợp tác xã thôn Cây Tăm. Hiện nay, mô hình này đang hoạt động ổn định với 13 hộ gia đình tham gia.

Ở tuổi 60, cựu chiến binh Lê Phước Thu (thôn Hiền Dũng, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh) mới thành công “lập nghiệp” 2 năm qua nhờ mô hình nuôi vịt ở trang trại công nghệ cao.

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương ảnh 2

Cựu chiến binh Lê Phước Thu.

37 năm trước, ông Thu trở về từ chiến trường Lào, gầy gò, yếu ớt vì mắc sốt rét liên miên. Ông được xã phân làm đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã. Gia đình nghèo khó, ông làm đơn xin đấu thầu đất hoang để trồng cao su. 3,5ha đất đồi hoang, dần mọc lên những hàng cây cao su, tán cao mát ngợp khoảng đồi. Nhưng doanh thu mang lại cũng chẳng bao nhiêu. Thí điểm trồng chanh dây cũng thất bại.

Năm 2022, ông được Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam hỗ trợ cung cấp giống vịt siêu nạc. Ông bắt tay xây dựng trang trại gồm: khu trại nuôi vịt, khu xử lý chất thải biogas, khu sát trùng, nhà kho, khuôn viên… Khu trại nuôi vịt rộng gần 1.000 m2 thiết kế kiên cố với tường cao, lắp đặt hệ thống quạt và dàn làm mát, sàn, thiết bị máng thức ăn, nước tự động theo đúng tiêu chuẩn hoàn toàn khép kín.

Trang trại nuôi vịt rất mát mẻ, được duy trì nhiệt độ chuẩn 27-28 độ. 8 quạt làm mát, cùng 2 máy bơm làm mát hoạt động ngày đêm để những chú vịt có được môi trường tốt nhất.

Mạnh dạn ứng dụng sản xuất công nghệ cao, liên kết chuỗi chăn nuôi, cựu chiến binh Lê Phước Thu thở phào khi đã xây dựng thành công trang trại nuôi vịt quy mô công nghiệp. Tuân thủ quy trình nuôi vịt theo mô hình công nghệ cao, kiểm soát tốt nguồn nước, thức ăn, nhiệt độ nên vịt tăng trưởng rất nhanh. Vịt nuôi theo phương pháp này siêu nạc, dầy thịt và dai thơm, đỏ thịt.

Nuôi vịt công nghệ cao, một nhân công có thể nuôi được một lứa 6.500-7.000 con vịt cho xuất chuồng trong một tháng. Trung bình một lứa vịt xuất chuồng/tháng, trừ hết chi phí, gia đình ông Thu lãi chừng 100 triệu đồng. Doanh thu tiền tỷ đồng/năm là mơ ước mà cựu chiến binh Lê Phước Thu đã làm được sau nhiều năm tìm cách vượt gian khó.

Phải giữ được nghề quê hương

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Vĩnh Thạch, ông Bùi Xuân Khiêm (thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) chỉ có một ao ước làm sao giữ được hương vị nước mắm truyền thống quê hương. Bởi vậy, từ khi nghỉ hưu, rời khỏi công ty thủy sản, ông Khiêm cùng vợ gây dựng thương hiệu nước mắm Khiêm Trọng.

Chia sẻ về bí quyết làm nên thương hiệu mắm Khiêm Trọng, ông Khiêm cho hay, nguyên liệu đầu vào quyết định thành phẩm. Cá để làm nước mắm phải là loại cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch. Thời gian này, cá có độ đạm rất cao, đạt 35-40% độ đạm. Cá không được rửa bằng bằng nước ngọt, sau rửa phải ủ cá muối phải mất 1 năm. 3 tháng đầu chợp sống; 3 tháng chợp ương, 1 năm chợp chín. Cách ủ cá này sẽ loại bỏ đi tạp chất và độc tố.

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương ảnh 3

Ông Bùi Xuân Khiêm (thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) giữ gìn nước mắm quê hương.

Vừa đầu tư tiền tỷ để xây 6 bể ướp 15 tấn cá/năm, trung bình một năm, ông cất được được khoảng 100-150 lít nước mắm loại 1. Lấy tay nhẩm đếm, ông bảo, vị chi mỗi năm thu được 7.500 lít nước mắm. Với mức giá bán ổn định 80.000 đồng/lít, mỗi năm trừ hết tiền công thợ và nguyên liệu, gia đình ông tiết kiệm được 200-300 triệu đồng.

Từ những giọt nước mắm tinh khiết cổ truyền quê hương, ông Khiêm đã mang thương hiệu mắm Vĩnh Linh, Quảng Trị bay xa nhờ cách làm truyền thống, lưu giữ hương vị và độ đạm đặc trưng. Từ những ngày gian khó, chỉ biết bám trụ bằng nghề biển, giờ đây cựu chiến binh Nguyễn Khiêm đã gây dựng được kinh tế gia đình nhờ nghề làm nước mắm.

Trong khi đó, với lợi thế của vùng đất đỏ bazan, hợp trồng tiêu, nhiều cựu chiến binh đã dành dụm vốn liếng, mở rộng diện tích canh tác, trồng tiêu hữu cơ.

“Lì đòn” với cây hồ tiêu, cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Thạch đã “đổi đời” nhờ trồng tiêu hữu cơ trên mảnh đất Vĩnh Linh.

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương ảnh 4

Cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn.

Trở về sau những năm tháng đóng quân ở Lục Nam, Hà Bắc với nhiệm vụ là bộ đội pháo binh, ông Sơn lập nghiệp trên quê hương bằng nghề trồng tiêu gia truyền. Để có diện tích lớn trồng tiêu, ông dành dụm tiền để đổi đất, dồn điền. Trong 6 năm, từ 1992-1998, ông nâng được diện tích trồng trọt của gia đình từ 1ha lên 4ha, trong đó, ông dành 1ha để trồng hồ tiêu; 2ha trồng cao su, còn lại trồng khoai, sắn.

6 năm qua, có thời điểm tiêu rớt giá thảm hại, nhiều người phá bỏ vườn tiêu. Bản thân gia đình ông cũng đôi lần trắng tay vì tiêu rớt giá, có năm bị ngập úng chết sạch tiêu, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi trồng sản vật quê hương. Ông Sơn khăn gói vào Tây Nguyên để học hỏi mô hình trồng tiêu sao cho khoa học và rẻ nhất có thể.

Cũng từ đây, ông tìm ra được cây ngúc ngác rừng - một loại cây làm trụ cho tiêu rất kinh tế (chỉ 10 nghìn đồng/cây), thay cho cây choái (trung bình 300 nghìn đồng/cây), giảm được vốn đầu tư đầu vào trồng tiêu tới 30 lần.

Sáng kiến kinh nghiệm “Cây ngúc ngác rừng là giải pháp trồng choái cho cây Hồ Tiêu, giá rẻ đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho người trồng tiêu tại xã Vĩnh Thạch; huyện Vĩnh Linh; tỉnh Quảng Trị” của cựu chiến binh Hoàng Hồng Sơn được huyện Vĩnh Linh đánh giá cao.

Với sáng kiến tìm cây ngúc ngác rừng làm trụ tiêu, khi giá hồ tiêu có xuống thấp (dưới 100.000đ/kg) người nông dân vẫn không bị thua lỗ, góp phần ổn định phát triển kinh tế, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hướng tới trồng tiêu hữu cơ, để tìm đường cho tiêu Vĩnh Linh xuất khẩu, ông Sơn còn nghĩ cách ủ phân hữu cơ, để giữ được đất đai màu mỡ, không bị hóa chất độc hại, dù thời gian thu hoạch lâu hơn so với trồng tiêu truyền thống.

Cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho quê hương ảnh 5

Người dân thu hoạch vườn tiêu.

Toàn bộ sản phẩm tiêu hữu cơ của gia đình ông Sơn được HTX sản xuất và kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thu mua toàn bộ với giá cao hơn ngoài thị trường 10-15%.

Giá cây tiêu năm ngoái chừng 70 nghìn đồng/cân, năm nay lên khoảng 165 nghìn đồng/cân, có ngày lên tới 200 nghìn đồng/cân, gần gấp 3 lần. Năm nay, 1ha tiêu của gia đình ông Sơn cho thu hoạch 4 tấn, trừ hết chi phí đầu vào khoảng 100 triệu đồng, ông có thể bỏ túi 500-600 triệu đồng. Gia đình ông Sơn vừa đầu tư máy móc để sấy tiêu, đầu tư máy đóng gói bao bì hơn 5 tỷ đồng.

Không chỉ làm kinh tế gia đình, với tư cách là Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh phát triển kinh tế huyện Vĩnh Linh, ông cũng hỗ trợ bà con về vốn, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống cây ngúc ngác với giá ưu đãi cho bà con trồng tiêu.

Trong câu lạc bộ, đại bộ phận cựu chiến binh từng trải qua chống Pháp, Mỹ, chiến bảo vệ biên giới phía bắc, biên giới Campuchia đều tuổi cao, sức yếu dần rồi nên trồng cây cao niên như cây tiêu, cao su - cây mang tính chủ lực của quê hương Quảng Trị là phương án khả thi nhất. Ông Sơn phân tích, trồng tiêu 3 năm cho thu hoạch, mà tuổi thọ của cây tiêu được hơn 30 năm, mang lại doanh thu bền vững.

Làm kinh tế trên mảnh đất quê hương phải chịu đựng nhiều khắc nghiệt của thời tiết, còn nhiều tổn thất sau chiến tranh, bom đạn… những cựu chiến binh trở về quê hương không đầu hàng trước số phận. Họ cùng nhau làm kinh tế, cùng tìm ra những mô hình hay, cách làm giỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn… để cùng nhau trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi trên quê hương, lan tỏa tinh thần người lính Bộ đội cụ Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

back to top