Theo các chuyên gia, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Việt Nam và Nhật Bản đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như: Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định Ðối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước ngày càng tăng trưởng ổn định và bền vững.
Theo thống kê, trong bảy tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản ước đạt 25,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD tăng 2,8% so với cùng kỳ 2023. Ðối với Thành phố Hồ Chí Minh, trong bảy tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa thành phố và Nhật Bản ước đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, kim ngạch xuất khẩu của thành phố sang Nhật Bản ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Trong năm 2024, nhiều chương trình trọng điểm của thành phố đã được tổ chức nhằm thúc đẩy và gắn kết bền chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Nhật Bản. Ðiển hình là chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và sự kiện “Ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản” vào tháng 5/2024, Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu, nhà phân phối Nhật Bản và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Aeon (Nhật Bản) vào tháng 6/2024…
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Ðông Nam Á.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên thế giới.
Chính vì thế, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò như một trong những cầu nối vững chắc, luôn chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước, nhất là Nhật Bản, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tại thành phố đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, thị trường đầy tiềm năng.
Theo các chuyên gia, hiện, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch các mặt hàng mà nước này cần nhập khẩu nên dư địa và cơ hội còn rất lớn. Trong đó, Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhất là thực phẩm an toàn và hữu cơ. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm sản phẩm này của Nhật Bản tăng cao trong những năm gần đây, tăng khoảng 30% trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), đặc trưng thị trường Nhật Bản là quy định về sản phẩm khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán tiêu dùng là ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững. Cho nên, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản cần chú ý các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã, cũng như sản phẩm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, khắc phục các nhược điểm, và tìm tòi các kỹ thuật mới, chăm chút trong tất cả các quy trình từ canh tác, thu hoạch, bảo quản, sản xuất đến đóng bao bì, lưu thông.
Ðể hướng đến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuận lợi, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là mấu chốt quan trọng. Trong đó, chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, xây dựng chuỗi giá trị dịch vụ, xây dựng mô hình công ty thực sự chuyên nghiệp... giữ vai trò then chốt.