Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn

Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có phục hồi, nhưng chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra. Trước tình hình này, thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện MBT (Điểm Công nghiệp Sông Cùng, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng).
Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện MBT (Điểm Công nghiệp Sông Cùng, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng).

Trước những biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến, đổi mới để vượt qua khó khăn, phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vượt khó khăn, duy trì sản xuất

Công ty cổ phần Công nghiệp Weldcom (trụ sở chính tại phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội) đã đầu tư nghiên cứu phát triển, cải tiến máy móc giúp tăng năng suất gấp hai, ba lần so với bình thường. Công ty không tập trung vào một dòng sản phẩm, mà phát triển theo hướng đa ngành, cung cấp các giải pháp tổng thể cho các nhà máy...

Giám đốc chi nhánh Weldcom Giải Phóng Hà Nội Nguyễn Đại Mã Lập Phong cho biết: "Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, tổng doanh thu của doanh nghiệp năm nay dự kiến tăng từ 100 tỷ đến 200 tỷ đồng so với năm 2022 (năm 2022 đạt 1.200 tỷ đồng)". Cũng đẩy mạnh việc tự động hóa trong sản xuất, đến nay, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có hơn 80% dây chuyền lắp ráp tự động liên hoàn, năng suất các dây chuyền tăng từ 200% đến 300%.

Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng Điện tử LED và thiết bị chiếu sáng của Rạng Đông cho biết, công ty đã lập kế hoạch sản xuất và liên kết với các đối tác, nhà cung cấp, cung ứng vật tư theo lộ trình sản xuất đưa ra, do đó không còn tình trạng tồn kho vật tư.

Bên cạnh một số doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng thì nhìn chung, năm 2023 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Hà Nội.

Theo Cục Thống kê thành phố, 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành quan trọng như ngành sản xuất máy móc, thiết bị đã giảm 19,9%; sản xuất trang phục giảm 3,5%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 2,2%... Lượng hàng tồn kho các sản phẩm như giấy và các sản phẩm từ giấy, dệt may, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn... đều tăng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội 11 tháng năm 2023 ước đạt 15,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh như hàng dệt, may (giảm 19,4%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (giảm 12,6%); giày dép và sản phẩm từ da (giảm 30,4%)...

Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp - Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Văn Thuận cho biết, năm 2023, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm đã khiến số lượng đơn hàng bị giảm, thậm chí, một số doanh nghiệp không có đơn hàng, hoạt động giảm 30% đến 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm hoặc việc làm của người lao động. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp

Sở Công thương Hà Nội đánh giá, mức tăng 2,9% của chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn là mức tăng thấp so với mục tiêu, năm 2023, thành phố đặt kế hoạch tăng chỉ số sản xuất công nghiệp từ 7,5% đến 8%. Trước tình hình này, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, chương trình, đề án quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nói chung và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp nói riêng.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập và phát triển thị trường, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng như các nước Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á… Sở Công thương đã cung cấp các thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP...) để các doanh nghiệp nắm rõ cơ hội và thách thức. Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thành phố Hà Nội cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Về nguồn vốn, thành phố đã kết nối doanh nghiệp với hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng để triển khai các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý.

Công tác xây dựng các cụm công nghiệp cũng đang được quan tâm. Năm 2023, thành phố đã khởi công 19 trong tổng số 43 cụm công nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp. Hiện thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất danh mục xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...

Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cũng chủ động đổi mới sản xuất, triển khai nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, phát triển thị trường.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt-Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong khó khăn, doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình "số hóa", ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực tế, công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh...

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội kiến nghị Chính phủ và thành phố Hà Nội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, hạ lãi suất, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất... để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các bộ, ngành Trung ương chủ trì, chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng thương mại điện tử, liên kết doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh...