Hiệu quả từ các đề án, chương trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức về mọi mặt cũng như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số…
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đầu tư chăm sóc vườn cà phê cho năng suất cao.
Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đầu tư chăm sóc vườn cà phê cho năng suất cao.

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có 15 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 2 huyện nghèo là M’Drắk và Ea Súp; có 4 xã biên giới; 184 xã, phường, thị trấn; 2.152 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 531 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Với vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhiều năm qua tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho gần 3.900 lượt học viên tại địa bàn 30 xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; biên soạn, in ấn và cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; lắp đặt 67 áp phích tuyên truyền tại 67 xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh…

Hiệu quả từ các đề án, chương trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Cán bộ Hội phụ nữ xã Ea Tul, huyện Cư M’gar hướng dẫn hội viên người dân tộc thiểu số cách chăm sóc đàn dê để phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2021” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 243 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở tại 6 huyện.

Tổ chức triển khai cấp phát tài liệu hỏi-đáp về Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình đến tay học sinh, giáo viên, người dân vùng dân tộc thiểu số; xây dựng 1 mô hình điểm “nói không với bạo lực gia đình” tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, thực hiện công tác xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2016-2020, Ban Dân tộc tỉnh đã biên soạn 15 chương trình đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của tỉnh, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã triển khai áp dụng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã biên soạn 7 bộ chương trình, giáo trình trình độ sơ cấp và 44 bộ chương trình, giáo trình trình độ thường xuyên để phù hợp hơn với điều kiện tự nhiên tại địa bàn.

Cùng với việc đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo cho 166.246 học viên, học sinh, sinh viên; trong đó có 33.934 học viên, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 19,53%.

Gắn liền với nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh cùng chính quyền các cấp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 154.445 lượt lao động, trong đó lao động dân tộc thiểu số là 16.980 người.

Hiệu quả từ các đề án, chương trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Nhờ thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên bộ mặt nông thôn nhiều xã vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk có sự chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm trong nước từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, đã giải ngân cho 1.486 lao động dân tộc thiểu số vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền cho vay 43,178 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã giải ngân cho 15 lao động dân tộc thiểu số vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số vốn là 3,383 tỷ đồng. Trong năm năm (2016-2020) toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 143.320 lao động, trong đó lao động người dân tộc thiểu số là 47.265 người.

Tỉnh Đắk Lắk còn triển khai lồng ghép với các chương trình, chính sách khác để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí khoảng là 5.549 tỷ đồng.

Lồng ghép đầu tư từ nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn ODA bố trí thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên; dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tại tỉnh, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat); chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh bố trí thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có phục vụ nhu cầu cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn… khoảng 4.665 tỷ đồng.

Theo ông Hà Huy Quang, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, qua 5 năm triển khai thực hiện các đề án, chương trình trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả to lớn như: 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 49 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,42% so với cuối năm 2019 xuống còn 7,91%, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 2,29%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,53%, xuống còn 17,40%, bình quân cả giai đoạn giảm 3,95%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,87%, xuống còn 27,67%, bình quân cả giai đoạn giảm 5,59%/năm…

Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên thôn, buôn theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, dự kiến toàn tỉnh còn 472 thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định 1189/QĐ-UBND ngày 24/5/2022 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số…