Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân từ khu vực thành thị đến nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ngày một được cải thiện và nâng cao.
Ngoài những chính sách của Trung ương ban hành, những năm qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.
Đáng chú ý, nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Đây là chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố.
Chương trình tập trung giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn.
Với các chủ trương và bước đi đúng đắn, hiệu quả, đến nay, các hoạt động an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn Thủ đô được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả.
Hiện nay Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có khoảng 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2023, thành phố đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác ưu đãi người có công của thành phố là 1.061 tỷ đồng, trong đó có điều chỉnh mức trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với 29.900 trường hợp với kinh phí 41,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được thành phố thực hiện hiệu quả với số người tham gia tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của thành phố đạt 93,1% số dân (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022), bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 42% lực lượng trong độ tuổi lao động và gần 76.800 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thời gian qua, thành phố đặc biệt chú trọng công tác chăm lo cho người nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố cũng ban hành chuẩn nghèo riêng cao gấp 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia.
Tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2022-2025 của thành phố được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng. Mặt trận các cấp trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ xây mới 9.078 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 3.900 nhà đại đoàn kết.
Quỹ “Vì người nghèo” của ba cấp từ năm 2016 đến nay đã nhận được hỗ trợ hơn 303 tỷ đồng. Toàn thành phố hiện có 16 quận, huyện không còn hộ nghèo. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu năm 2023 số hộ nghèo giảm còn 642 hộ; trong đó tại 12 quận chỉ còn bốn hộ nghèo; 18 huyện, thị xã còn 638 hộ nghèo.
Một trong những đổi thay rõ nét trên địa bàn Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội đó là tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời điểm mới sáp nhập, Hà Nội có 13 xã và một thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư thành làng bản, trong đó, có một xã và năm thôn thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II.
Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hơn 20%, hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu và xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế.
Theo đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, 15 năm qua, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ước tính, khu vực này đã được đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho hàng trăm dự án, chưa kể ngân sách đầu tư từ các huyện và vốn xã hội hóa. Đến hết năm 2017, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đến năm 2022, tất cả 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người các xã tại khu vực này đã đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm nhanh chóng, hiện chỉ còn 0,96%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao.
Sau 15 năm điều chỉnh địa giới hành chính, công tác an sinh xã hội của thành phố Hà Nội luôn được bảo đảm và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Để giữ vững và phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường đầu tư để giải quyết lâu dài và bền vững những vấn đề xã hội, giúp thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa đô thị và khu vực nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân được cải thiện.