Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Phan Văn Dũng cho biết: Mùa Tết Giáp Thìn 2024, Vissan sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương cùng kỳ, với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng.
Vissan còn dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt. Vissan luôn cam kết giữ giá bán ổn định; không điều chỉnh tăng giá bán trước, trong và sau Tết.
Các hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã dành hơn 550 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ) để dự trữ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho mùa Tết.
Phó Tổng Giám đốc Satra Phạm Thi Vân cho biết: Dự trữ lượng hàng hóa bình ổn giá tăng từ 6% đến hơn 14%, các mặt hàng còn lại có mức tăng từ 4% đến hơn 18%; dự kiến, lượng hàng thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, trái cây, các loại thịt) và bia, nước giải khát sẽ tăng cao.
Hệ thống bán lẻ, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện dự trữ nguồn hàng phục vụ mùa Tết từ giữa năm 2023.
Phần lớn ngân sách (khoảng 10.000 tỷ đồng) ưu tiên cho chín nhóm hàng bình ổn thị trường (gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy, hải sản) với lượng hàng tăng từ 20%-50% so với tháng thường.
Theo Sở Công thương thành phố, 45 doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao tham gia cung ứng, phân phối và bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường dành nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng để phục vụ hai tháng Tết; trong đó, có hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25%-43%.
Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…; kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung-cầu trong mọi tình huống.
Ba chợ đầu mối, 221 chợ truyền thống, dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 tấn/ngày đến 15.000 tấn/ngày. Vào những ngày cận Tết, các kênh phân phối hiện đại có thể tăng lượng hàng cung ứng lên từ gấp đôi đến gấp ba lần so với ngày thường.
Thời điểm này đến các ngày cận Tết, Vissan sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10%-20% đối với một số các sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần.
Đáng chú ý, từ ngày 6-9/2/2024 (ngày 27-30 Âm lịch), Vissan sẽ có các chương trình giảm giá mạnh dành cho khách hàng mua sắm Tết “trễ” có thể mua được thực phẩm uy tín, chất lượng với mức giá giảm từ 10-30%. Sau Tết Nguyên đán, sản phẩm của Vissan cũng tiếp tục được giảm giá từ 10-20% tại các điểm bán của Vissan và siêu thị.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động chuỗi siêu thị Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết: Chương trình phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 của Saigon Co.op kéo dài liên tục trong 59 ngày (13/12/2023-9/2/2024) với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về”.
Saigon Co.op sẽ thực hiện giảm giá trực tiếp từ 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Riêng trong 10 ngày cận Tết tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa; duy trì các chương trình khuyến mãi, tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao...
Saigon Co.op còn dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp: Ưu tiên mua hàng giảm giá; tổ chức siêu thị 0 đồng và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa…
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công thương thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa; nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau, củ, quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết (bánh, kẹo, nước giải khát…); chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết.
Sở Công thương thành phố cũng phối hợp sở công thương các tỉnh, thành phố khác theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết…; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng gạo, thịt gia súc, rau, củ, quả và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ các hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động tăng tỷ lệ chiết khấu hoặc ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; nhất là đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mãi tập trung như chương trình “Shopping Season” năm 2023 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2024”; tổ chức, hỗ trợ tổ chức các sự kiện thương mại, hội chợ, phiên chợ xuân cấp thành phố và cấp huyện...