Lợi ích vùng và cả nước bổ trợ cho nhau
Theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo: “Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn, phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch;…”.
Cùng với Nghị quyết số 24, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, trong đó có định hướng quy hoạch cảng đã được phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá: Việc lập đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI. Ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm: “Bản thân tôi ủng hộ dự án này với một khát vọng lớn, vì hiện nay Việt Nam chưa có cảng biển trung chuyển quốc tế nào.
Chọn Cần Giờ làm cảng trung chuyển quốc tế, cùng với cảng Cái Mép và cảng biển nhóm 4 đang quy hoạch sẽ nâng tầm thành trung tâm cảng biển quốc gia. Hệ thống cảng này phát triển bổ trợ nhau chứ không cạnh tranh nhau, nhìn tổng thể vì lợi ích vùng, quốc gia chứ không vì lợi ích riêng của thành phố. Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố cũng nêu rõ: Cảng Cần Giờ thuộc nhóm đầu tư chiến lược, thành phố cần thu hút nhà đầu tư xứng tầm và đúng quy định.
Theo Quyết định số 522/QĐ-BGTVT ngày 20/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam: Hiện nay cả nước có 33 cảng biển với 296 bến cảng; trong đó, nhóm cảng biển Đông Nam Bộ có năm cảng biển với 111 bến cảng.
Đối với nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, đây là khu vực có sản lượng hàng qua cảng lớn nhất nước với sản lượng 298,36 triệu tấn (chiếm 42,25% cả nước) và 17,01 triệu TEU (chiếm 70,87% cả nước) trong năm 2021. Tuyến luồng này cũng đi qua dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Thành phố là đô thị biển cho nên xây dựng cảng Cần Giờ là cần thiết để nâng cao vị thế của thành phố trong vùng.
Thành phố cần xây dựng các tuyến đường kết nối vào cảng, không chỉ từ thành phố mà còn từ các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường cao tốc đa dạng nhằm kết nối với cảng Cái Mép-Thị Vải, tạo thành cụm cảng lớn của khu vực.
Thực hiện nghiêm túc, hài hòa lợi ích
Với những lợi thế của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cũng như chủ trương của Trung ương, những quy hoạch được phê duyệt và định hướng, các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý đều nhìn nhận việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là thời cơ cần nắm bắt ngay.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án này đến sự phát triển chung, kể cả về mặt văn hóa, xã hội, nhất là môi trường sinh thái cần được thành phố thực hiện nghiêm túc, hài hòa lợi ích. GS, TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đây là dự án có ý nghĩa, nhiều tiềm năng kinh tế biển không chỉ với thành phố mà còn đối với cả nước. Cần Giờ cũng là nơi có thể liên kết vùng đông tây, địa kinh tế, trung chuyển logistics; khi hình thành không chỉ tác động gián tiếp mà còn lan tỏa cả vùng.
Theo GS, TS Nguyễn Trọng Hoài, qua báo cáo của đơn vị tư vấn, dự án chỉ mới dừng lại ở đánh giá kỹ thuật. Vấn đề này không chỉ liên quan kinh tế-xã hội mà còn là văn hóa, nhất là môi trường. Do đó, để có cơ sở đánh giá cho vấn đề này, thành phố tìm ra từ một đến hai đơn vị tư vấn độc lập đánh giá CPA-phân tích đánh giá lợi ích về chi phí theo tiếp cận kinh tế. Mục đích làm CPA để ước lượng, đưa ra con số thuyết minh với xã hội, lợi ích lớn hơn chi phí và không gây xung đột. Từ đó, làm cơ sở cho thành phố và Trung ương đồng thuận ra quyết định có triển khai dự án hay không.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhìn nhận: Việc thực hiện dự án này sẽ có tác động đến thiên nhiên vì Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự đánh đổi ấy có xứng đáng và có đạt được lợi ích lớn nhất, hậu quả nhỏ nhất cũng như ít mắc sai lầm nhất hay không, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Địa phương không chỉ xem xét việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở góc độ hiệu quả đầu tư tài chính, mà cần nhìn rộng hơn trong bối cảnh chung của thành phố, của vùng, của đất nước. Mặt khác, thành phố cũng không chỉ nhìn ở góc độ bảo vệ môi trường mà bỏ qua các cơ hội phát triển, quan trọng là phải phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang nhận định: Đề án này có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện, nhất là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc triển khai dự án Cảng Cần Giờ là cần thiết và nên sớm thực hiện để tận dụng thời cơ thuận lợi khi lượng hàng trung chuyển quốc tế có thể dịch chuyển và tăng đột biến, kinh tế có thể tăng trưởng trong thời gian tới; trong đó, lưu ý đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động môi trường của dự án, xem xét đề xuất điều chỉnh những quy hoạch cảng biển khác để ưu tiên triển khai Cảng quốc tế Cần Giờ.