Hà Nội triển khai giám sát chuyên đề về quản lý thoát nước và xử lý nước thải

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai đợt giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải. Kết quả giám sát bước đầu cho thấy, công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn đang có nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối), quận Long Biên.
Đoàn giám sát khảo sát thực địa tại Trạm bơm Cự Khối (phường Cự Khối), quận Long Biên.

Trong hai ngày 25-26/8, Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố đã làm việc tại quận Long Biên, Hà Đông và huyện Hoài Đức. Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát tập trung đánh giá thực trạng thoát nước và xử lý nước thải hiện nay; kết quả thực hiện quy hoạch thoát nước; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước và xử lý nước thải...

Tại quận Long Biên, công tác duy tu duy trì, quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn quận hiện do 3 công ty thực hiện với tổng 500km cống rãnh, 18 hồ và 7 trạm bơm. Quận đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước và đề xuất cải tạo 16 vị trí thường xuyên ngập úng gây bức xúc dân sinh. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu Bây và các điểm tiếp nhận từ các nguồn thải sinh hoạt trong khu dân cư, quận sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn quận.

Trao đổi về công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Bùi Xuân Hà cho biết, hệ thống thoát nước trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tách biệt giữa hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Các trạm xử lý nước thải đã được quy hoạch cụ thể nhưng chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Tương tự, tại huyện Hoài Đức hiện mới đầu tư hệ thống thu gom nước thải tại một số khu đô thị; 9 cụm công nghiệp và một số tuyến đường hạ tầng khung đang được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, hệ thống nước thải riêng theo quy hoạch. Các khu vực còn lại chưa được đầu tư hệ thống thu gom riêng nên nước thải khu dân cư vẫn thoát chung với hệ thống thoát nước mưa. Đáng lưu ý, 17 xã, thị trấn trên địa bàn chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh. Nước thải chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại nên chưa đạt hiệu quả xử lý, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đợt giám sát chuyên đề là nội dung quan trọng với mục đích cao nhất là tìm ra, đưa ra được vấn đề và tạo chuyển biến đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thủ đô. Từ thực tế giám sát tại cơ sở, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý, trong lĩnh vực thoát nước, các địa phương cần rà soát lại nhiệm vụ thành phố đã giao, tập trung triển khai dứt điểm và phải đẩy mạnh xây dựng các trạm xử lý nước thải, thoát nước đã có kế hoạch, quy hoạch. Đặc biệt, cần giữ gìn cảnh quan và phát huy hiệu quả điều hòa của các hồ đối với việc bảo đảm môi trường.

Đồng chí nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện, các địa phương cần gắn với bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị để cùng vào cuộc, nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị xã hội, trách nhiệm các doanh nghiệp, từng người dân.