1/Hiện, TP Hà Nội có ba phân vùng tiêu thoát nước chính (rộng 125.400 ha) tại phía tả sông Đáy (nguồn xả là sông Hồng, Nhuệ, Đáy); phía hữu sông Đáy (sông Tích, Bùi, Đáy) và phía bắc Hà Nội (sông Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê). Tuy nhiên, đến nay mới có lưu vực sông Tô Lịch (một phần thuộc hệ thống sông Hồng) được đầu tư hệ thống thoát nước cơ bản hoàn chỉnh, có thể bảo đảm tiêu thoát nước cho tám quận nội thành với cường độ mưa 310 mm/2 ngày.
Trong khi đó, Hà Nội mới chỉ có sáu nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động, gồm Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày-đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày-đêm), hồ Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày-đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày-đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày-đêm), hồ Tây (15.000 m3/ngày-đêm). Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
Đô thị phát triển nhanh chóng khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải đô thị ngày càng nan giải. Mặc dù hầu hết các đô thị đã có mạng lưới thu gom nước chung (nước mưa và nước thải) nhưng mạng lưới trong số này đã và đang xuống cấp, khả năng thu gom và tiêu thoát còn nhiều hạn chế. Đến nay, cũng chỉ có khoảng hơn 50% địa phương có trạm/nhà máy xử lý nước thải tập trung với các quy mô khác nhau, và sử dụng công nghệ cũng khác nhau. Chưa kể, nhiều hệ thống thoát nước còn thiếu đồng bộ, chức năng thoát nước chưa bảo đảm, gây ô nhiễm môi trường; vào mùa mưa vẫn còn xảy ra ngập nước cục bộ, kéo dài làm ảnh hưởng sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân. Kinh phí đầu tư cho thu gom, xử lý nước thải còn quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước đô thị.
Tại Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 14 dự án thoát nước và xử lý nước thải được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013-2020. Song đến nay mới có năm dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; một dự án đang triển khai, còn lại, tám dự án chưa thể thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ chế đầu tư… Hiện, không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng do lợi nhuận thấp, ít hấp dẫn, thủ tục vẫn khá phức tạp, nên chỉ có một số doanh nghiệp tiềm lực mạnh, có nền tảng công nghệ và nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại mới mạnh dạn tham gia.
2/Theo Kế hoạch 312/KH-UBND, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giải pháp lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải được thành phố đưa ra là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%.
Cùng với các dự án đang triển khai, sẽ tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả công trình. Ngoài ra, theo kế hoạch, thành phố dự kiến nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng-Cầu Bây; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực phía hữu sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực phía tả sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông (công suất 30.000 m3/ngày-đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải tây sông Nhuệ (công suất 58.000 m3/ngày - đêm)… Đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỷ lệ xử lý nước thải 50%-55%. Ngoài ra, tiếp tục tập trung triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày-đêm và ba gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới. Dự án này được kỳ vọng làm hồi sinh sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ…
PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, các thành phố lớn hiện nay được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư cũng như tốc độ xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom rất chậm, trong đó việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị còn bất cập, rất cần cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp giải quyết.