Gần 90% nước thải chưa được xử lý
Những năm gần đây, người dân sống dọc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa; kênh Tân Hóa - Lò Gốm…, không còn phải thường xuyên nếm trải mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ nguồn nước. Tuy nhiên, dù các dòng kênh này đã và đang được TP Hồ Chí Minh cải tạo, chỉnh trang nhưng vẫn có nguy cơ tái ô nhiễm trở lại khi hằng ngày lượng rác và nước thải chưa qua xử lý đổ xuống lòng kênh ngày càng nhiều. Hệ quả, khi thời tiết thay đổi thì nguồn nước vẫn có bốc mùi hôi thối.
“Dòng kênh đã mang lại không khí mát mẻ, trong lành cho cư dân. Nhưng tình trạng hôi thối vẫn chưa thể chấm dứt, ảnh hưởng đến cuộc sống. Mong chính quyền thành phố đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải hiện đại thời gian tới để nguồn nước thật sự sạch sẽ, chấm dứt tình trạng ô nhiễm như hiện nay”, ông Thái Văn Thanh (ngụ đường Hậu Giang, phường 11, quận 6), cạnh kênh Tân Hóa - Lò Gốm bày tỏ.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh, hằng năm, mỗi quý, đơn vị đều khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người dân sống trong các khu vực kênh, rạch và nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn thành phố về tác động đến môi trường, sinh hoạt hằng ngày. Qua đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị điều chỉnh phù hợp thực tế. Để dòng kênh thật sự trong xanh, việc xây dựng và sớm đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải quy mô hiện đại trở nên
cấp bách.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện lượng nước thải đô thị phát sinh của thành phố khoảng 1,54 triệu m3/ngày, chủ yếu từ hai nguồn: Hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ra ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Trong những năm trở lại đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng. Cụ thể, từ năm 2018 đến 2021, ước tính tỷ lệ nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%.
PGS, TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc gia tăng lượng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mặt ở thượng lưu sông Sài Gòn và Đồng Nai. Bởi các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng có thể gây ra ảnh hưởng gián tiếp đến ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm và nguồn cấp nước sinh hoạt. Đặc biệt, nguồn nước thải đô thị chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Nguồn nước kênh rạch ô nhiễm gây ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân thành phố.
Trao đổi với Thời Nay, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) Lê Quang Đạo cho biết, TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn từ nguồn nước thải đổ ra môi trường mà chưa qua xử lý. Trong khi, hiện thành phố chỉ có ba nhà máy xử lý nước thải đô thị, gồm: Bình Hưng, công suất 141 nghìn m3/ngày; Bình Hưng Hòa đạt 30 nghìn m3/ngày và Tham Lương - Bến Cát đạt 15 nghìn m3/ngày. Ngoài ra, còn có các trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư như Tân Quy Đông, công suất 500 m3/ngày; Vĩnh Lộc B đạt 3.700 m3/ngày; Bình Khánh đạt 150 m3/ngày. Với công suất các nhà máy đang hoạt động nêu trên thì tổng lượng nước thải đô thị qua xử lý hiện nay là 193.350/1.540.000 m3/ngày, đạt tỷ lệ 12,6%.
GS, TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nước thải; cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; di dời hàng chục nghìn hộ dân sống ven kênh, rạch. “Cần ràng buộc đối tượng xả thải nước thải gây ô nhiễm trong việc đóng góp kinh phí phục vụ cho việc cải tạo ô nhiễm môi trường đối với nước thải. Từ đó góp phần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường”, GS, TSKH Lê Huy Bá góp ý.
Khi nào mới có nhà máy đạt chuẩn?
Để giải bài toán xử lý nước thải thời gian tới, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin, thành phố đã xây dựng đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2045. Theo đó, đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường với khoảng 2.580.000 m3/ngày. Để hoàn thành mục tiêu, tập trung xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải và dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2) năm 2024; mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải, gồm: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc và Suối Nhum, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành giai đoạn 2026-2030.
Song song đó, các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150 nghìn m3/ngày); Tân Hóa - Lò Gốm (300 nghìn m3/ngày) và Bình Tân (180 nghìn m3/ngày) hợp nhất thành một nhà máy tại Bình Hưng Hòa và dự kiến hoàn tất năm 2030. Khi đó, chất lượng nước khi thải ra đạt tiêu chuẩn A - tức có thể các loài nhạy cảm với sự thay đổi môi trường nước như cá có thể sống được.
Thế nhưng, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Đặng Phú Thành, một trong những khó khăn lớn trong quá trình triển khai các dự án dạng này là chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, bảo dưỡng khá lớn. Mặt khác, quỹ đất cần để xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt lớn, gây khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn xây dựng hệ thống xử lý là rất lớn, đang phụ thuộc vào nguồn vốn vay ODA, dẫn đến việc tốc độ đầu tư cũng như tốc độ xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom rất chậm. Có một trở ngại lớn trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị do khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp.
Để giải quyết căn cơ, vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, từ năm 2022, người dân mua nước sinh hoạt phải đóng luôn cả tiền xử lý nước thải, số tiền này nhằm bảo đảm nguồn kinh phí bảo dưỡng và giảm sử dụng tiền ngân sách trong đầu tư, xử lý nước thải. Lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25% và năm 2025 là 30%.
Cũng theo ông Đặng Phú Thành, hiện tốc độ đầu tư và xây dựng các nhà máy và hệ thống thu gom nước thải chậm. Do đó, thành phố đang tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải, mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), để tạo thêm nguồn vốn xây dựng. Các sở, ngành, thành phố đã và đang khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm mốc giới các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để thúc đẩy quá trình thực hiện. Hiện, UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải.
TP Hồ Chí Minh đang đầu tư thực hiện nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nâng công suất từ 141 nghìn m3/ngày lên 469 nghìn m3/ngày; Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè đạt công suất 480 nghìn m3/ngày. Qua đó, nâng tổng lượng nước thải được xử lý là 1.001.350/1.540 nghìn m3/ngày, đạt tỷ lệ 52,1%.