Hà Nội tổ chức hơn 2.500 cuộc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 14/3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ngành, quận, huyện.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường thông tin, đến nay, Mặt trận thành phố đã tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai ( sửa đổi) ở cấp thành phố; 30 cuộc cấp quận, huyện, thị xã; 579 cuộc cấp phường, xã và hơn 2.000 cuộc tại thôn, tổ dân phố.

Các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã tham gia góp ý vào các nội dung của dự thảo và đã được tập hợp gửi các cơ quan liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào một số nhóm vấn đề trong dự thảo như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai...

Hà Nội tổ chức hơn 2.500 cuộc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 1

Các đại biểu tham gia góp ý.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm đề nghị dự thảo cần xem lại quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch bổ với khối lượng lớn, quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế.

Do đó, cần quy định cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch, nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy định không gian ngầm, không gian mặt đất và không gian trên không là cần thiết, nhưng dự thảo cần nghiên cứu sâu để quy định cụ thể, đặt mối quan hệ giữa ba không gian này trong tổng thể quy hoạch.

Đặc biệt, Hà Nội cần lấy kinh nghiệm của địa phương đầu tiên công bố đồ án quy hoạch không gian ngầm để góp ý cho Quốc hội quy định về nội dung này trong dự thảo.

Để bảo đảm tính độc lập, khách quan của cơ quan thẩm định, cơ quan xây dựng và cơ quan quyết định giá đất, các ý kiến tại hội nghị đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tách bạch thẩm quyền, chức năng, thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất.

Cùng với đó, cần có dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất nhằm hạn chế việc giao dịch đất đai, mua bán “2 giá” ( giá thực tế giao dịch, giá nộp thuế) như hiện nay. Trong đền bù giải phóng mặt bằng cần phân loại, xác định từng loại đất nông nghiệp, đất ở, đất thương mại để có các mức giá khác nhau…