Chiều 10/1, Sở Công thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ ngành Công thương năm 2024.
Năm 2023, với sự triển khai kịp thời, quyết liệt đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và phục hồi kinh tế, ngành Công thương Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, điện.
Thành phố Hà Nội cũng bảo đảm được cân đối cung-cầu hàng hóa, triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, liên kết vùng… góp phần ổn định đời sống nhân dân; thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, kiềm chế lạm phát.
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Hà Nội, tuy nhiên, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 4,57%, đóng góp 0,64 điểm % vào mức tăng 6,27% của GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 488,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức và tăng 10,6%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 54,4 tỷ USD.
Tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong năm 2024, ngành Công thương đặt mục tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng khoảng 7,0-7,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10-11%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát tăng dưới 4%...
Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động đạt 100%...
Năm 2024, Hà Nội sẽ kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4%. |
Để đạt được mục tiêu này, ngành Công thương Hà Nội sẽ tích cực phối hợp các địa phương, Sở, ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch. Trong đó, đẩy mạnh đầu tư, cải tạo chợ, kêu gọi đầu tư một khu Outlet, chợ đầu mối Phù Đổng-Gia Lâm; triển khai có hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử; bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong lĩnh vực Công nghiệp, Sở Công thương Hà Nội sẽ tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thực hiện chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; hoàn thành khởi công các cụm công nghiệp còn lại...
Trên cơ sở đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước. Tập trung đưa ra các giải pháp đảm bảo đầy đủ việc cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân.
Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp mở các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Công thương tiếp tục có giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển thương mại, công nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án lớn có vai trò quan trọng với kinh tế Thủ đô.