Tham dự hội nghị có hơn 50 lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, các nhà khoa học tới từ các Viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn như Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Công nghệ nhiệt lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu điện tử tin học tự động hóa...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, Hà Nội xác định việc phát triển công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Vì vậy, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực này nhằm cụ thể hóa các chương trình, Đề án phát triển công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng trên địa bàn.
Hội nghị này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội phát triển khoa học công nghệ, tiếp cận các đề tài nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội để ứng dụng vào sản xuất.
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, so với lợi thế của Thủ đô, tiềm năng về khoa học công nghệ thì những con số này còn rất khiêm tốn. Bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống, Hà Nội đang định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn, công nghiệp chip...
Gần đây, thành phố Hà Nội đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, châu Á… về cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Do đó, việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ sản xuất, phát triển sâu vào các dòng sản phẩm mang tính hiện đại, bền vững, công nghệ cao, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia có các nghiên cứu khoa học đã trình bày, trao đổi như đề tài Chuyển đổi số trong doanh nghiệp truyền thống, Một số giải pháp về nhà máy thông minh, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Quang cảnh hội nghị. |
Đại diện Trường đại học Công nghệ nhấn mạnh, việc chuyển đổi số đang tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng...
Đồng quan điểm này, đại diện các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực cho rằng, để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số thành công cần có kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp - cả phần cứng và phần mềm. Vì vậy, việc sở hữu kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngắn hạn cũng như về mặt lâu dài.
Bên cạnh các tham luận trình bày tại hội nghị, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được gần 150 đề tài, công trình nghiên cứu, giải pháp khoa học trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, chuyển đổi số… Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực để đặt hàng, đưa nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất thực tế.