Hệ quả của việc thiếu nền nếp trong thời gian dài
Nhà giáo Vũ Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội):
Thông thường, học sinh bậc trung học cơ sở, mặc dù đang trong lứa tuổi có thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý nhưng cũng không có những hành vi như trong vụ việc nhóm học sinh ở tỉnh Tuyên Quang đang xuất hiện trên mạng xã hội. Hành vi đó có thể xảy ra ở lứa tuổi lớn hơn, như học sinh trung học phổ thông. Từ góc độ khách quan để nhận xét, có lẽ xuất phát đầu tiên là từ những bức xúc bên trong của học sinh liên quan đến giáo viên thì mới có hành vi như vậy.
Thực tế cho thấy, những hiện tượng như thế này, trước đây, ở cấp trung học phổ thông cũng có những học sinh hư, nhưng không hình thành kiểu “bầy đàn” như nhóm học sinh ở một trường trung học cơ sở của Tuyên Quang.
Xét về góc độ nhà trường, đây không phải là sự việc bột phát mà là sự thiếu nền nếp trường học, thầy không ra thầy, trò không ra trò. Tôi nghĩ rằng, với đa số học sinh cấp trung học cơ sở và đa số nhà trường, những vụ việc tiêu cực như sự việc này là không phổ biến. Thực tế là nếu như các trường gồm nhiều bộ phận, từ Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách, giám thị, … có sự phối hợp nhịp nhàng, thì sẽ sớm có thể phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc của học sinh. Đặc biệt, đây là lứa tuổi có thể giáo dục được bằng những biện pháp khác nhau.
Nhà giáo Vũ Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Chu Văn An. |
Sự việc có lẽ là hệ quả của những vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài. Tôi không rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự việc, nhưng có thể nói, chưa bao giờ các nhà trường mà tôi biết và có sự trao đổi xảy ra hiện tượng như vậy.
Qua ghi nhận thấy rằng học sinh lớp 7 năm nay rất đặc biệt, công tác quản lý học sinh vất vả hơn các khối lớp khác. Các em cứ đến trường là chạy, rất hiếu động, thường xuyên nói chuyện tự do và có em những hành động khó kiểm soát. Trường chúng tôi đã cử những giáo viên “cứng”, có nhiều kinh nghiệm để phụ trách. Cần có những nghiên cứu sâu hơn, nhưng có thể các em chịu tác động nhất định bởi dịch bệnh Covid-19, học trực tuyến dài ngày căng thẳng.
Điều này cho thấy không chỉ nhà trường mà học sinh còn chịu tác động bởi yếu tố gia đình, xã hội. Sự thiếu sự phối hợp của gia đình, thầy cô, và có thể từ những sự việc từ lâu dài, thầy cô giáo cũng “buông” không xử lý, không có giải pháp kịp thời thì mới xảy ra như vậy.
Để ngăn ngừa, có biện pháp hữu hiệu, thiết nghĩ các nhà trường, giáo viên phải luôn là tấm gương trong hành vi ứng xử. Hiệu trưởng, ban giám hiệu đều thống nhất các yêu cầu giáo dục học sinh theo Điều lệ trường học; giáo viên không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà thực hiện tốt quy tắc ứng xử với phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, cũng có những khía cạnh cụ thể mang tính đời thường không có trong quy định thì nhà trường cũng thường xuyên quán triệt giáo viên chú ý thực hiện nghiêm túc.
Với học sinh đã có nội quy, các em thường xuyên được phổ biến, nhắc nhở thực hiện trách nhiệm trong trường học, nhất là cách ứng xử với thầy, cô giáo, người lớn và các bạn. Từ đầu năm học, thầy cô cùng học sinh đều xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, học tập và thực hiện nội quy. Giáo viên chủ nhiệm giám sát việc thực hiện yêu cầu và hằng tháng, giáo viên có cuộc họp trao đổi, xử lý, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực. Với học sinh, mỗi tháng đều có bình xét hạnh kiểm, tổ chức buổi sinh hoạt lớp.
Hằng năm, Trường trung học cơ sở Chu Văn An tổ chức ít nhất hai buổi mời các đồng chí công an tuyên truyền về phòng chống ma túy, thuốc lá điện tử học đường. Năm học này, trường tổ chức thêm về nội dung trật tự an toàn xã hội để giáo dục học sinh.
Đã lỗi ở khâu nào?
Hiệu trưởng một Trường trung học cơ sở thuộc quận Ba Đình, Hà Nội:
Sự việc nhóm học sinh gây rối, uy hiếp giáo viên như đông đảo dư luận tiếp cận qua mạng xã hội, báo chí là câu chuyện rất đáng buồn, đau lòng, nhất là đối với người công tác trong ngành giáo dục.
Học sinh khi vi phạm, trước tiên đáng giận, đáng trách nhưng cũng có đáng thương. Bởi vì nhìn sâu vào sự việc, tôi thấy “tính giáo dục” ngấm vào đứa trẻ đấy chưa đủ. Các cháu chưa nhận được đầy đủ, sâu sắc của giáo dục lành mạnh đúng nghĩa.
Chắc chắn lỗi khâu nào đó mới thế. Yếu tố vùng miền, vùng quê, tâm, sinh lý, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19,... chắc chắn không là nguyên nhân chính dẫn tới sự việc này.
Lỗi do các cháu trực tiếp gây ra, có lẽ không chỉ dừng lại ở các cháu, đằng sau đó còn có trách nhiệm của gia đình, nhà trường, những người trực tiếp tham gia vào quá trình dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục.
Từ sự việc này, những người làm giáo dục nên đặt ra câu hỏi là mình đã làm gì, đã làm đủ chưa để những sản phẩm giáo dục không những không được như mong muốn mà nó còn làm tổn thương mình nữa?
Về phía nhà trường, giáo viên thì tôi nghĩ đây là sự thất bại và cần nghiêm túc, nghiêm khắc nhìn vào sự việc để đánh giá, có biện pháp khắc phục. Có thể trong nhóm học sinh đấy, có một vài em “đầu têu”, có cá tính mạnh mẽ, nhưng giáo viên đã không phân loại được để hướng dẫn, kèm cặp cho nên dẫn tới tình trạng “a lô xô”. Sự việc là hồi chuông cảnh báo tới tất cả những người làm giáo dục, cần nghiêm khắc nhìn lại những hoạt động của mình.
Dạy học không chỉ là quá trình truyền thụ kiến thức mà còn là quá trình cảm hóa. Cho nên những người thầy, người cô bên cạnh làm tốt nhiệm vụ của mình cần làm tốt nhiệm vụ cảm hóa, yêu thương, thấu hiểu học sinh, cảm thông, đồng hành cùng học sinh.
Bạo lực học đường gây tổn thương tới cả học sinh và giáo viên
Nhà giáo Ngô Thị Kiều Linh, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Lợi - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Qua sự việc lần này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường không chỉ xảy ra đối với học sinh mà giáo viên cũng có thể là người chịu ảnh hưởng. Và có thể, đối tượng gây ra những tổn thương lúc này cho họ là học sinh - những người họ hết mực yêu thương.
Về việc giáo dục học sinh có hành vi ứng xử đúng mực cần xuất phát từ gia đình đến nhà trường. Đặc biệt, giáo dục ở gia đình là nền tảng để các em hình thành đạo đức, lối sống. Muốn các con có được lòng biết ơn và tình yêu thương thì cha mẹ, thầy cô cũng phải dành tình thương cho các con. Chỉ khi cảm nhận được điều này, trước mỗi hành động, các em học sinh mới có được suy nghĩ: Làm như thế cha mẹ, thầy cô có buồn không?
Bên cạnh đó, cần có tiếng nói của xã hội để lay chuyển những nhận định khi xảy ra một sự việc về giáo dục, không nên vội phán xét đúng sai mà cần bình tĩnh tìm nguyên nhân của sự việc. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, quản lý tốt các nội dung trên mạng xã hội cũng là biện pháp quan trọng trong giáo dục hành vi ứng xử của học sinh.