Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số Điện Biên thay đổi nếp nghĩ, cách làm

NDO - Quan tâm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ cách làm", từng bước xoá bỏ định kiến, khuôn mẫu trong gia đình và cộng đồng về vai trò phụ nữ, trẻ em gái, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai nhiều chương trình truyền thông giúp phụ nữ, trẻ em gái trong cộng đồng các dân tộc thiểu số chủ động hoà nhập, chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống, gia đình…
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình phát triển kinh tế gia đình do hội viên Hội phụ nữ huyện Mường Ảng làm chủ.
Mô hình phát triển kinh tế gia đình do hội viên Hội phụ nữ huyện Mường Ảng làm chủ.

Khái quát thực trạng đời sống hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên Đỗ Thị Thu Thuỷ cho biết: Trong số 107.856 hội viên, thì có tới gần 80% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng cao, biên giới; cuộc sống của hội viên còn nhiều khó khăn; nhiều hội viên chịu gánh nặng bởi hủ tục, tập quán lạc hậu và tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Để giúp hội viên nâng cao nhận thức giúp phụ nữ tự tin vươn lên và từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình", Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quan tâm hướng dẫn Hội Phụ nữ các cấp ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; truyền thông pháp luật, các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái.

Đặc biệt, với trọng trách giao trong triển khai Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động thông tin, tập huấn các nội dung thuộc Dự án đến cán bộ Hội cơ sở; đồng thời thành lập tổ tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện dự án.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số Điện Biên thay đổi nếp nghĩ, cách làm ảnh 1

Phụ nữ xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) trao đổi kinh nghiệm hoạt động công tác Hội tại cơ sở.

Tại Mường Nhé - huyện biên giới, khó khăn bậc nhất trong tỉnh song với sự vào cuộc tích cực của cán bộ hội phụ nữ, sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền các xã, đến cuối tháng 8/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai và đạt nhiều kết quả trong tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Nhé Bà Phạm Thị Hà chia sẻ: Nhằm giúp hội viên nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi nếp nghĩ cách làm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng cho 174 cán bộ, hội viên; tổ chức 21 buổi truyền thông xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, từng bước đẩy lùi tập tục văn hoá có hại với phụ nữ trẻ em cho 1.853 người tham gia.

Đến nay, toàn huyện Mường Nhé đã thành lập được 22 tổ truyền thông cộng đồng với 217 thành viên tham gia (trong đó có 70 thành viên là nữ). Các tổ truyền thông cộng đồng cùng Hội phụ nữ 100% xã trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em.

Qua khảo sát, toàn huyện Mường Nhé có 43 phụ nữ đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại địa bàn có đông người dân tộc thiểu số. Hiện đã có 7 phụ nữ được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số Điện Biên thay đổi nếp nghĩ, cách làm ảnh 2

Thành viên các tổ truyền thông cộng đồng trong huyện Mường Nhé tham gia tập huấn kỹ năng truyền thông bình đẳng giới.

Cũng đạt nhiều kết quả trong triển khai các hoạt động thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đến giữa tháng 9/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành kiện toàn, ra mắt 9 tổ truyền thông cộng đồng; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng vận hành, duy trì tổ truyền thông cộng đồng cho 79 cán bộ xã, đảm bảo thu hút sự tham gia của nam giới.

Chủ động trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức tập huấn cho 139 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ bốn xã: Pá Khoang, Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng…

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng bản Tà Cáng, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ Lường Văn Nọi cho biết: Tham gia tổ truyền thông cộng đồng thì chúng tôi được cung cấp nhiều hơn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, xoá bỏ hủ tục đối với phụ nữ, trẻ em; đồng thời hiểu hơn vai trò của nam giới trong hành trình xoá bỏ hủ tục và hỗ trợ phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ gia đình.

Ở huyện vùng cao Tủa Chùa, có chị Lò Thị Pỏm, thành viên tích cực của câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật xã Tủa Thàng. Vốn là người nhút nhát, rụt rè, hiểu biết pháp luật hạn chế, nhưng chị Pỏm đã thay đổi trở thành người tự tin, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở. Chị Pỏm, cho biết: Từ khi tham gia Câu lạc bộ pháp luật Tủa Thàng tôi thường xuyên được cán bộ tuyên truyền kiến thức pháp luật nên tôi đã nắm được đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi bản thân hiểu quy định, tôi vận động người thân, họ hàng, người dân trong thôn chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội.

Ngoài các hoạt động truyền thông, vận động bình đẳng giới, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh Điện Biên còn tổ chức nhiều hoạt động, mô hình thiết thực thể hiện rõ việc thực thi đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như xây dựng mô hình "5 không, 3 sạch" và thành lập một số câu lạc bộ "Phụ nữ phát triển kinh tế", "phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình"… tại cơ sở. Ðồng thời, các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng thôn, bản không tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự được đẩy mạnh, qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong mọi hoạt động và đời sống.