Giữ nhịp cồng chiêng dân tộc Co

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Co ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, đấu chiêng là một trong những sinh hoạt cồng chiêng nổi bật, độc đáo của người Co. Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm thắp thêm ngọn lửa đam mê di sản văn hóa quý giá trong cộng đồng dân tộc Co ở Trà Bồng.
0:00 / 0:00
0:00
Cồng chiêng dân tộc Co ở Trà Bồng mang đậm dấu ấn cộng đồng.
Cồng chiêng dân tộc Co ở Trà Bồng mang đậm dấu ấn cộng đồng.

Nét văn hóa đặc sắc

Theo các nhà nghiên cứu, đặc điểm nổi bật sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co là tạo ra các bài chiêng và cách thức diễn tấu đạt đến trình độ về nghệ thuật và kỹ thuật, mang đậm dấu ấn cộng đồng và sức sống riêng. Người Co linh hoạt sử dụng cồng chiêng khi là phương tiện giao tiếp với thần linh kết hợp với nhu cầu giải trí. Tuy không đồ sộ nhưng di sản cồng chiêng của dân tộc Co có sự đa dạng độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật, vừa mang tính giải trí sáng tạo cao, vừa có tính gắn kết cộng đồng. Thông qua tổ chức đấu chiêng, các giá trị về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách chơi, cách trình diễn, cách phô diễn hình thể mang tính thi đua cao, đã thể hiện khả năng sáng tạo của dân tộc Co.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hầu hết các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên đều có cồng chiêng nhưng chưa thấy dân tộc nào có đấu chiêng. Ðây là một sinh hoạt văn hóa độc đáo của dân tộc Co. Ðấu chiêng là một nhân tố thăng hoa, nổi trội trong lễ hội nói riêng, văn hóa dân tộc Co nói chung.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Biên, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng: Ðối với đồng bào Co, những bộ chiêng là tài sản vô giá cả về vật chất lẫn tinh thần, dù có nghèo khó nhưng không bao giờ người dân bán hay đổi chác. Chiêng là linh hồn của dân tộc, không thể thiếu vắng trong các lễ hội. Nhạc cụ linh thiêng này là phương tiện giao tiếp với thần linh, là nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng người Co trong lễ hiến trâu hay Tết ngã rạ.

Mạch nguồn chảy mãi

Sinh ra và lớn lên ở thôn 2, xã Trà Thủy, từ thuở nhỏ, cậu bé Hồ Ngọc An đã được người cha là Nghệ nhân Ưu tú Hồ Ngọc Hoàng truyền dạy nghệ thuật đánh chiêng, đấu chiêng. Trải qua năm tháng, "hồn chiêng" thấm sâu vào máu thịt tự lúc nào chẳng hay, để rồi đến giờ dù đã bước sang tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An vẫn đắm say theo thanh âm của tiếng cồng chiêng. Bằng tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa dân tộc, Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An được dân làng tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Co tại thôn 2. Cả đời "giữ lửa" cồng chiêng, Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An cùng các nghệ nhân trong huyện là những người nối giữ mạch nguồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để tiếng cồng chiêng mãi mãi ngân vang trên đất quế Trà Bồng. Ðiều trân quý hơn, vượt qua tuổi tác và sức khỏe, nhiều năm qua, ông còn lặn lội đến nhiều bản làng người Co ở Trà Bồng để truyền dạy, gieo mầm, hun đúc tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Ông cho biết: "Tôi rất vui khi thấy văn hóa cồng chiêng dân tộc Co được bảo tồn và phát huy. Số lượng người biết đánh chiêng ngày càng nhiều; nhiều thôn, xã đã thành lập được đội nghệ thuật cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng của người Co vẫn ngân lên sâu lắng, vang vọng mãi muôn đời".

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh, những năm qua, huyện luôn xác định việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản của đồng bào Co là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và xuyên suốt nhằm góp phần để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế-xã hội. Thông qua việc triển khai thực hiện đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2013-2020, định hướng đến năm 2030, đến nay trên địa bàn huyện phát triển được khoảng 60 đội cồng chiêng. Toàn huyện có 720 nghệ nhân, trong đó khoảng 200 nghệ nhân chỉnh tiếng chiêng và đánh chiêng giỏi, các hộ gia đình lưu giữ gần 2.000 bộ cồng chiêng. Hằng năm, huyện tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh chiêng, đàn và hát dân ca của đồng bào Co cho thanh thiếu niên và nhiều chương trình nghệ thuật Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca.

"Công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đàn và hát dân ca, nhạc, dân vũ được chú trọng và phát triển. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao. Trong những ngày Tết, lễ hội, đồng bào Co Trà Bồng có dịp phô diễn những điệu múa, hát dân ca, đấu chiêng, bắn nỏ, đã tạo nên luồng sinh khí mới, làm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống của người Co", đồng chí Hồ Ngọc Thịnh chia sẻ.