Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về một số điểm đáng quan tâm trong dự thảo Luật.
LẦN SỬA ĐỔI NÀY CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI RẤT CĂN BẢN
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này? Và trong các nội dung sửa đổi đó, ông quan tâm nhất đến nội dung nào?
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11 tới đây.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách lớn trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó tập trung vào 11 nội dung lớn, cơ bản.
Có thể nói, dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa mạnh mẽ nội dung, yêu cầu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Trong các chính sách sửa đổi của dự thảo Luật lần này, tôi quan tâm nhất tới 2 chính sách lớn. Đó là chính sách xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt và chính sách mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Cụ thể hơn, đó là 2 vấn đề lớn đáng chú ý: Bảo hiểm xã hội một lần và giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm theo quy định hiện hành xuống còn 15 năm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách lớn trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó tập trung vào 11 nội dung lớn, cơ bản.
Ảnh: Trần Hải - Phương Nam. |
Phóng viên: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này hướng tới mở rộng độ bao phủ và tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Ông có nhận định gì về các nội dung này?
Ông Lê Đình Quảng: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần yêu cầu của Đảng và Nhà nước về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW và bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp.
Từ trước đến nay, chúng ta đã xác định, bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội rồi, nhưng giờ phải cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để thực sự trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Tiếp nữa là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc sửa đổi bổ sung các quy định nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút và “giữ chân” người lao động trong hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu là hết sức quan trọng.
Ảnh: Trần Hải - Phương Nam. |
ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA THỰC TIỄN
Phóng viên: Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này sẽ kết hợp cùng các luật sắp sửa đổi trong thời gian tới như Luật Công đoàn, Luật Việc làm. Vậy theo ông, những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật lần này đã đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn chưa?
Ông Lê Đình Quảng: Theo tôi, những vấn đề lớn được đề cập trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là đủ. Nhưng có những điểm nhỏ cần tiếp tục phải cải thiện.
Thí dụ, thời gian vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tổ chức hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều cán bộ công đoàn và người lao động có đề xuất hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội với điều kiện tuổi nghỉ hưu trong trường hợp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã vượt trần trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ so với quy định của pháp luật. .
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, nguyên tắc đóng-hưởng ở chính sách hưu trí thể hiện rõ nét, nhưng sự chia sẻ đang còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay có sự chênh lệch khá lớn về tiền lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Ông Lê Đình Quảng
Cụ thể, với quy định hiện nay, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương hưu tối đa (75%) với nam là 35 năm, với nữ là 30 năm. Còn nếu thời gian tham gia bảo hiểm xã nhiều hơn thì khi nghỉ hưu, với mỗi năm nhiều hơn đó, người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương. Nếu người lao động về hưu trước tuổi thì mỗi năm thiếu tuổi phải bị trừ 2%. Trong lúc đó, hầu hết người lao động làm việc trực tiếp, làm việc trong các khu công nghiệp thường nghỉ hưu trước tuổi phải bị trừ phần trăm.
Do vậy, người lao động đề nghị hoán đổi trong trường hợp này là mong muốn hết sức chính đáng và thực tiễn, rất cần được nghiên cứu, xem xét nhưng trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này.
Ảnh: nhandan.vn. |
Một thí dụ nữa trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội là nguyên tắc đóng-hưởng ở chính sách hưu trí thể hiện rõ nét, nhưng sự chia sẻ đang còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay có sự chênh lệch khá lớn về tiền lương khi về hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Với nhóm công nhân lao động trực tiếp, do nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của họ thấp, thường phải về hưu trước tuổi phải trừ phần trăm nên lương hưu rất thấp. Trong khi đó, có một số trường hợp về hưu nhưng mức hưởng lương hưu có thể khá cao.
Rõ ràng, điều này tạo ra một sự chênh lệch rất lớn trong những người hưởng lương hưu. Hiện nay, tôi thấy, trong nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn chưa có sự điều chỉnh để tăng sự chia sẻ trong các đối tượng này. Chính sách cần tạo ra sự công bằng. Nếu để tình trạng này, có thể tạo ra sự phân hóa giữa những người hưởng lương hưu.
Tất nhiên, chúng ta tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, nhưng cần có cơ chế giảm thiểu sự phân hóa này.
Dự thảo Luật đã cho thấy rõ nét những yêu cầu như đa dạng, đa tầng linh hoạt. Nhưng những nội dung để bảo đảm tăng quyền lợi, bảo đảm sự hấp dẫn với người tham gia, và tạo niềm tin cho người tham gia bảo hiểm xã hội, có lẽ còn đang ít.
Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, cụ thể như tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật có đưa ra khá nhiều giải pháp nhưng tôi vẫn băn khoăn về tính khả thi.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tác hại của việc không thực hiện nghiêm minh quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tạo ra sự mất niềm tin của người lao động. Tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng thời gian qua có nguyên nhân mất niềm tin của người lao động, khiến họ không mặn mà với việc ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ảnh: nhandan.vn. |
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần “đáng báo động” hiện nay?
Ông Lê Đình Quảng: Chính sách bảo hiểm xã hội một lần có rất sớm. Từ năm 1995, khi ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội, đã bắt đầu có chính sách bảo hiểm xã hội một lần. Trong quá trình sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục được hoàn thiện.
Bản chất của chính sách này là để giải quyết một cách kịp thời, linh hoạt cho người lao động rủi ro bị mất việc làm, nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt trong đời sống của họ, là chính sách rất nhân văn.
Trước đây, xuất hiện ít trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhưng trong những năm gần đây, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao. Người lao động rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi trước mắt và lâu dài của họ, và tác động tới chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Những người rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa họ không được hưởng chế độ hưu trí. Khi tuổi đời còn trẻ, khỏe thì rút bảo hiểm xã hội một lần, về già người lao động không có lương hưu, sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của họ cũng như chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà đang thực hiện. Do đó, điểm thống nhất là cần giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, trong đó phải kể đến là tiền lương thu nhập của người lao động thấp, chưa bảo đảm cuộc sống.
Thống kê nhiều năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để chuẩn bị cho các phiên đàm phán về lương tối thiểu cho thấy, gần như hơn 50% người lao động chỉ làm đủ trang trải cuộc sống, nếu họ nghỉ việc thì không có gì bảo đảm cuộc sống. Số lao động có nguồn tiền tích trữ rất ít.
Ảnh: Trần Hải - Phương Nam. |
Trong bối cảnh việc làm không bền vững, doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân lao động phải nghỉ việc, mất việc. Một nguyên nhân nữa là công tác tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ vai trò của các chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là chế độ hưu trí, chưa tốt. Nhiều người lao động không hiểu rõ về chính sách, chỉ thấy được lợi trước mắt, nghỉ việc được nhận một khoản tiền lớn.
Thậm chí, một số doanh nghiệp có chính sách thải loại người lao động cao tuổi, bởi đó là thời điểm sức khỏe của họ giảm sút, chi phí tiền lương cao. Tính theo thâm niên, lương của họ càng cao, chi phí bảo hiểm xã hội đóng cho họ càng lớn. Bởi vậy, không lạ khi một số doanh nghiệp khuyến khích người lao động nghỉ việc, động viên họ nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Thêm vào đó, niềm tin của người lao động với hệ thống an sinh xã hội cũng giảm. Rất nhiều tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng (hay còn gọi là nợ bảo hiểm xã hội) khiến quyền lợi của người lao động không được giải quyết. Cho nên, người lao động giảm niềm tin, muốn ra khỏi trong hệ thống bảo hiểm xã hội do lo ngại không được bảo đảm quyền lợi lâu dài. Điều này xuất phát từ tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, công tác thực thi chính sách không tốt.
Tôi nhấn mạnh, các chính sách an sinh xã hội có tính chất liên thông, không phải là chỉ là quy định về bảo hiểm xã hội một lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, nên cần có giải pháp khắc phục.
CÓ NÊN QUY ĐỊNH MỨC SÀN LƯƠNG HƯU TỐI THIỂU?
Phóng viên: Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu trong dự thảo Luật lần này có ý nghĩa gì, thưa ông?
Ông Lê Đình Quảng: Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu với những người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm rất thấp. Trong lúc đó, mức lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của nhóm lao động trực tiếp cũng rất thấp. Chưa kể, nếu chưa đủ tuổi đời, người lao động cũng sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Tất cả đều ảnh hưởng tới lương hưu thực nhận của họ sau này.
Qua tham khảo đa số ý kiến của người lao động, họ đồng tình với quy định này. Chính sách tạo điều kiện tốt cho quyền lợi của người lao động, nhất là người lao động tham gia vào quan hệ lao động muộn, bởi quy định thời gian đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu là khá dài với nhiều người. Giảm điều kiện về số năm đóng giúp những lao động đó có cơ hội hưởng chế độ hưu trí.
Trong các chế độ của bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí là chính sách tốt nhất, bền vững nhất, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Rõ ràng, việc giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu thuận lợi cho người lao động, cũng góp phần làm giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Vì nhiều người biết được hưởng lương hưu, biết chế độ hưu trí bền vững thì sẽ ở lại hệ thống,
Tôi có băn khoăn về cách tính lương hưu. Hiện nay, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội 15 năm thì tính mức hưởng lương hưu bằng 45%. Sau đó, mỗi năm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được tính bằng 2%, mức hưởng lương hưu tối đa không quá 75%.
Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu với những người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm rất thấp. Trong lúc đó, mức lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội của nhóm lao động trực tiếp cũng rất thấp. Chưa kể, nếu chưa đủ tuổi đời, người lao động cũng sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Tất cả đều ảnh hưởng tới lương hưu thực nhận của họ sau này.
Cũng cần hiểu rõ, dù lương hưu có thấp, nhưng chế độ hưu trí cũng giúp bảo đảm đời sống hơn cho người tham gia hơn những người không được hưởng chính sách gì. Lương hưu vẫn được Chính phủ điều chỉnh, định kỳ hằng năm căn cứ vào điều kiện kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng.
Theo tôi, nên có quy định mức sàn lương hưu tối thiểu trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.
Ông Lê Đình Quảng
Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định tại khoản 5, Điều 56 rằng, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định bằng mức lương cơ sở. Như vậy, mức lương hưu thấp nhất là bằng mức lương cơ sở.
Vì vậy, theo tôi, nên có quy định mức sàn lương hưu tối thiểu trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
----------------
Thực hiện: NGÂN LÊ - LAN VŨ
Ảnh: TRẦN HẢI, BÁO NHÂN DÂN…
Trình bày: PHƯƠNG NAM