Ngày 6/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Báo cáo về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Đỗ Ngọc Thọ cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc đã giải quyết cho 163.198 người hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp hằng tháng; 2.288.282 người hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; 15.141.159 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng tiếp nhận 1.753.542 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được chi trả, 34.840 quyết định hưởng hỗ trợ học nghề được chi trả.
Công tác giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản bảo đảm kịp thời, đúng quy định kể cả trong thời gian ảnh hưởng của bão, lũ, qua đó góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của nhiều lượt người lao động và thân nhân.
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý và chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS) |
Đặc biệt, nhằm kịp thời bảo đảm người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo mức hưởng mới trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023; Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ có hiệu lực, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã quyết liệt, tập trung triển khai công tác chi trả ngay từ ngày Nghị định có hiệu lực để người hưởng được nhận chế độ nhanh nhất, kịp thời nhất. Qua đó, nâng cao lòng tin của nhân dân vào chính sách bảo hiểm xã hội và công tác tổ chức thực hiện của ngành.
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý và chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng luôn bảo đảm đầy đủ, kịp thời.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thống nhất trong tổ chức thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; tổ chức triển khai hiệu quả nhóm thủ tục hành chính liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Đến tháng 9/2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận và xử lý 13.384 hồ sơ đề nghị giải quyết mai táng phí, tử tuất của dịch vụ công này.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với nhiều vụ việc điển hình đã được phát hiện.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố lưu ý, tiếp tục tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định các chế độ bảo hiểm xã hội cho người hưởng. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và hướng dẫn người lao động, thân nhân người lao động lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định. Tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định, quy trình nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Kiểm tra kỹ quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trước khi giải quyết, lập danh sách chi trả trợ cấp thất nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt đối với quỹ ốm đau, thai sản và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý người hưởng và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng của hệ thống bưu điện để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót nhằm thực hiện đúng điều khoản hợp đồng đã ký kết. Bám sát các nội dung hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác thẩm định, quyết toán số người, số tiền phải trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động nghiên cứu, kịp thời phản ánh các nội dung vướng mắc, các nội dung còn chưa hiểu rõ để được giải đáp và tháo gỡ kịp thời.
Tại hội nghị, đại diện Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội giới thiệu những quy định mới về quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Quyết định 686/QĐ-BHXH ngày 29/5/2024 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quyết định số 3503/QĐ-BHXH ngày 18/11/2022 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH; Công văn số 333/BHXH-CSXH ngày 5/2/2024 hướng dẫn thực hiện giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Công văn số 2430/BHXH-CSXH ngày 19/7/2024 hướng dẫn một số nội dung tại Quyết định số 686/QĐ-BHXH.
Đồng thời, các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến cũng đã thảo luận, trao đổi những tình huống, nội dung còn khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn yêu cầu, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các vụ, ban của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội địa phương. Đi liền với đó là đồng bộ thể chế, kịp thời những phát sinh trong thực tiễn.
Đồng thời, bảo hiểm xã hội địa phương cần cụ thể hóa các quy trình Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn để đạt được hiệu quả hơn trong quản lý, chia sẻ kinh nghiệm đã triển khai thực hiện để bảo hiểm xã hội các địa phương học tập, áp dụng phù hợp tại địa phương của mình.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Hùng Sơn yêu cầu, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua 10 tháng đầu năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 19,365 triệu người, tăng 11,39%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,560 triệu người, tăng 9,2%. Số người tham gia bảo hiểm y tế: đạt 93,937 triệu người, tăng 3,16%.