LAO ĐỘNG NAM CÓ VỢ SINH CON NHƯNG CHỈ CÓ CHA THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN
Hiện nay, một số lao động nam có vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội muốn được biết về quyền lợi của mình với chế độ thai sản.
Theo quy định hiện hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, điều kiện hưởng chế độ thai sản cho lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh được căn cứ tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp: Lao động nữ mang thai; Lao động nữ sinh con; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Ngoài ra còn có người lao động nữ đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Chăm sóc cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Mặt khác, khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc lao động nam nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con. Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc; nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc lao động nam nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con.
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Như vậy, theo quy định nêu trên, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản.
ĐƯỢC TRỢ CẤP MỘT LẦN BẰNG 2 LẦN MỨC LƯƠNG CƠ SỞ
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng quy định cụ thể về trợ cấp một lần với lao động nam có vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo đó, có chính sách trợ cấp một lần với đối tượng này được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn chi tiết tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 được bổ sung tại điểm c khoản 5 Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7/7/2021.
Cụ thể như sau: Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội (mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội/hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản) thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Như vậy, với mức lương cơ sở áp dụng theo quy định hiện hành từ ngày 1/7/2024, lao động nam có vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con là: 2.340.000 X 2 = 4.680.000 đồng.
Về thời hạn giải quyết, Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc giải quyết việc hưởng chế độ thai sản như sau:
Với mức lương cơ sở áp dụng theo quy định hiện hành từ ngày 1/7/2024, lao động nam có vợ sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con là: 2.340.000 X 2 = 4.680.000 đồng.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau thời gian quy định trên, nếu hồ sơ chưa được giải quyết, người lao động cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi nộp hồ sơ để kiểm tra, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (nếu có).
ĐIỂM CẦN LƯU Ý VỀ CHẾ ĐỘ THAI SẢN TỪ NGÀY 1/7/2025
Lao động tại Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, Hàn Quốc, tại Quảng Ninh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tới cũng có một số điểm mới về chế độ thai sản với người lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã kế thừa và phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định về chế độ thai sản chưa phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi, dài hạn, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quy định về chế độ thai sản trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có những điểm mới sau.
Thứ nhất, bổ sung quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con, mà trước khi sinh con phải nghỉ việc để điều trị vô sinh. Theo đó, lao động nữ chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.
Thứ hai, quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Thứ ba, sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết.
Thứ tư, người lao động được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đồng thời bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.
Theo dữ liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 9/2024, cả nước có 19,026 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,033 triệu người, và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,993 triệu người.