Đến Hoàng thành Thăng Long, nhiều khách tham quan hết sức ngạc nhiên khi thấy những tốp học sinh cầm các dụng cụ tỉ mỉ... bới đất. Thi thoảng, lại thấy các em reo lên khi đào được một hiện vật nào đó. Đó chính là trải nghiệm đào cổ vật trong hố khảo cổ giả định - một phần của chương trình "Em làm nhà khảo cổ" do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai. Tham gia chương trình này, sau khi kết thúc phần đào cổ vật trong hố giả định, các em sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc thi, được các nhà khoa học hướng dẫn cách mô tả, vẽ hiện vật, dập hoa văn hiện vật trên giấy dó...
Hà Nội có hàng nghìn di tích, di sản, nhưng Hoàng thành Thăng Long là di tích quan trọng nhất, độc đáo nhất, là một kho báu di sản của quốc gia. Tuy nhiên, để hiểu giá trị của Hoàng thành không đơn giản. Trước thực tế ấy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các nhà khoa học xây dựng các chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh, thông qua những hoạt động trải nghiệm sinh động, thú vị. Trong đó, chương trình "Em làm nhà khảo cổ" được triển khai từ năm 2013. Mỗi năm, có hàng nghìn học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm. Năm 2018, từ hiệu quả của chương trình giáo dục di sản, Trung tâm tiếp tục nâng cấp, mở rộng không gian khám phá "Em làm nhà khảo cổ" để mỗi buổi có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho 50 học sinh, từ chỗ chỉ diễn ra dịp cuối tuần, chương trình được tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần.
Song song với chương trình "Em làm nhà khảo cổ", Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình "Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long" dành cho học sinh THCS. Chương trình có thể tiếp đón nhiều nhất 200 học sinh một buổi, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long trong khoảng thời gian từ hai đến ba giờ. Trong chương trình này, các em được tham quan những điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng nhà D67, hầm D67, hầm Cục tác chiến; tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản; tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố; tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian.
Cùng với việc trực tiếp giúp các em nhỏ tìm hiểu về Hoàng thành, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa như: Đón Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, giới thiệu các dòng tranh dân gian, tổ chức các trưng bày chuyên đề..., làm cầu nối giúp các em học sinh tìm về truyền thống. Trưởng phòng Thuyết minh Hướng dẫn - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thị Yến cho biết: "Ngành giáo dục có nhiều môn học có thể gắn kết với khám phá, tìm hiểu di sản như: Lịch sử, Lịch sử địa phương, Mỹ thuật... Nhiều trường học đã nhận thức được điều này và thay vì chỉ tổ chức tham quan chung chung, đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các hoạt động trải nghiệm có hiệu quả cho học sinh".
Từ thành công của hoạt động giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long, tháng 9-2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo ký thỏa thuận hợp tác xây dựng kế hoạch đưa học sinh tại Thủ đô tới tìm hiểu, học tập, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Ngoài hai chương trình "Em tìm hiểu di sản" và "Em làm nhà khảo cổ", hai bên phối hợp tổ chức chương trình tham quan, học tập ngoại khóa tại Khu di tích Cổ Loa, trải nghiệm các hoạt động tương tác tại khu trưng bày Không gian Việt như bắn nỏ, in tranh dân gian, làm oản xôi lá mít; chơi các trò chơi dân gian; Chương trình tham quan học tập và chụp ảnh kỷ yếu tại Hoàng thành Thăng Long dành cho học sinh cuối cấp. Ngoài ra, ngành giáo dục còn tuyên truyền, giới thiệu ứng dụng thuyết minh hướng dẫn tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại thông minh tới các trường học. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương Trần Thị Sơn Ca chia sẻ: "Tham gia chương trình này, các em vừa học vừa chơi, được trải nghiệm thực tế, tạo ra hứng thú học tập, cũng như phát huy sự sáng tạo, kiến thức lịch sử được các em ghi nhớ hơn".
Mô hình giáo dục di sản do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tính đến hết tháng 10, đã có hàng chục nghìn lượt học sinh trải nghiệm các chương trình do Trung tâm tổ chức. Mô hình này cần được nhân rộng tại các di tích quan trọng khác, để ươm mầm tình yêu di sản trong giới trẻ.
Giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là kho báu di sản của quốc gia, bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã biến khu di tích thành một "trường học" nhằm giáo dục tình yêu di sản cho giới trẻ, thông qua các hoạt động trải nghiệm, các chuyên đề tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa... Mới đây, Trung tâm đã ký chương trình hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, qua đó, nâng cao chất lượng của các chương trình giáo dục di sản.
Học sinh tìm hiểu về tranh dân gian tại Hoàng thành Thăng Long. |