Đưa nước sạch đến với người dân Cần Giờ

Đưa nước sạch về tận hộ dân, đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới cấp nước đến các xã vùng sâu của huyện duyên hải Cần Giờ, qua đó đạt được mục tiêu 100% số hộ dân trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch. Mục tiêu này được ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh dồn sức thực hiện bằng nhiều chương trình, công trình đầu tư giúp thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
0:00 / 0:00
0:00
Nước sạch thành phố đã được cấp về Trường tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.
Nước sạch thành phố đã được cấp về Trường tiểu học Lý Nhơn, huyện Cần Giờ.

Chờ đợi... 30 năm!

Tại buổi tổng kết năm học 2022-2023 của Trường mầm non Lý Nhơn (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ), cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường mầm non Lý Nhơn bồi hồi xen lẫn xúc động chia sẻ: Năm nay là năm thứ 10 tôi làm hiệu trưởng nhà trường và cũng chứng kiến rất nhiều đổi thay của một xã vùng sâu, vốn đối diện với nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Trong đó, nguồn nước sạch để sử dụng là sự mong chờ khắc khoải vài chục năm nay... và cuối cùng nguồn nước sạch đã có, cả cô và trò đều rất vui mừng.

Chào tạm biệt “Vườn cây của bé” trước kỳ nghỉ hè, cô giáo cùng các em nhỏ đã không quên cho những luống hành lá, khóm tía tô “uống nước” thật “no”. Trên gương mặt các bé tỏ ra trầm trồ thích thú, khi cầm những gáo nước sạch tưới lên cây dưa, luống hành...

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, trước đây, nước sạch tại trường là do các vệ tinh (cấp nước tư nhân) lấy nước từ sà lan cung cấp cho nên áp lực không ổn định, lại nằm ở cuối nguồn, nước yếu nên nhân viên của trường phải canh ban đêm để hứng nước vào bồn, sử dụng trong nấu ăn là chính. Những lúc thiếu nước, trường phải đi mua nước sạch từ xe bồn với giá 70.000 đồng/m3, tính trung bình, mỗi năm nhà trường phải chi gần 30 triệu đồng để mua đổi nước sạch từ xe bồn phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của học sinh.

Chỉ vào đồng hồ nước vừa được gắn từ cuối tháng 4, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn) vui mừng, lần đầu hơn 30 năm sống tại đây, gia đình bà nhìn thấy nước sạch chảy qua vòi. Trước đây, để có nước sạch sử dụng, gia đình bà Thúy phải mua từ xe bồn với giá 70.000-75.000 đồng/m3. Trung bình mỗi tháng hộ bà Thúy đổi từ 12-14m3 nước, tốn cả triệu đồng. “Người dân thành phố có nước sạch là điều bình thường nhưng với người dân xã Lý Nhơn chúng tôi, đó là niềm vui lớn. Ngoài ra, khi được sử dụng nguồn nước máy từ thành phố, người dân không phải trả tiền nước giá cao”, bà Thuý phấn khởi.

Nước sạch với kinh tế địa phương

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ nhìn nhận: Với đặc thù là huyện vùng sâu, điều kiện giao thông còn nhiều hạn chế, thời gian qua ngành cấp nước thành phố cũng như địa phương đã nỗ lực rất nhiều để đầu tư hoàn thiện mạng lưới cấp nước, cung cấp nước sạch cho người dân qua đồng hồ. Nhất là các xã đảo, đi lại cách trở, khó tiếp cận hệ thống cấp nước, nay đã được quan tâm đầu tư đồng bộ và tập trung hơn trước. Nhìn chung, nguồn nước sạch đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế-xã hội, du lịch địa phương.

Năm 2023, huyện Cần Giờ tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch, tăng tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch từ tuyến ống chuyển tải Nhà Bè-Cần Giờ, giảm tỷ lệ sử dụng nước sạch từ phương tiện sà lan vận chuyển. Trong đó, số hộ dân sử dụng nước sạch qua hệ thống tuyến ống chuyển tải Nhà Bè-Cần Giờ chiếm gần 85%.

Ngoài việc đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cần Giờ, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) còn quan tâm phát triển mạng lưới, lắp đặt đồng hồ nước để đưa nước sạch đến các ấp, khu dân cư nằm xa đường giao thông. Một số nơi là các ốc đảo biệt lập, đi lại khá cách trở.

Chúng tôi theo chân một nhân viên khảo sát thuộc Đội Thi công Tu bổ Vận hành, Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ để khảo sát việc gắn đồng hồ nước tại doi Mỹ Khánh (ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh). Nằm cách biệt với trục đường giao thông, nơi đây có gần 60 hộ dân sinh sống trên ốc đảo, chung quanh bao quanh sông, rạch cho nên phải dùng ghe đi lại mới tiếp cận được nơi này. Ông Nguyễn Văn Nhân (73 tuổi), sinh sống gần 60 năm tại doi Mỹ Khánh cho biết, năm 2018 gia đình ông được xí nghiệp lắp đặt đồng hồ nước sau khi hoàn thiện hệ thống đường ống cấp nước đưa qua đảo.

Từ đó đến nay, nhà ông gồm sáu nhân khẩu được sử dụng nguồn nước máy của thành phố với giá đúng quy định, nguồn nước dồi dào. Trước đó, hầu hết hộ dân ở đây phải mua nước từ sà lan của các vệ tinh chở đến rồi dự trữ sử dụng dần. Theo Đội Thi công Tu bổ Vận hành của Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, trước đó đơn vị đã lắp đặt 32 đồng hồ nước và đang khảo sát để tiếp tục lắp đặt cho 25 hộ dân còn lại để phủ kín đồng hồ nước cho toàn doi Mỹ Khánh, không để người dân kéo ống từ nhà này qua nhà khác.

Ngoài ra, Sawaco cũng vừa hoàn thành lắp đặt tuyến ống cấp nước D180mm trên tuyến đường trung tâm xã đảo Thạnh An nhằm ngầm hóa đồng bộ với công trình Cải tạo tuyến đường trung tâm xã đảo Thạnh An; chuẩn bị trước cho việc tiếp nhận vùng cấp nước, cung cấp nước sạch cho người dân xã đảo trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Túc, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Cần Giờ, để đưa nước sạch của thành phố về xã Lý Nhơn, Ban lãnh đạo Sawaco đã chỉ đạo tập trung việc đầu tư hơn 23km tuyến ống D280mm từ đường Rừng Sác về đến xã Lý Nhơn cùng hệ thống các tuyến ống phân phối với tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỷ đồng. Sau khi có hệ thống đường ống, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã lắp đặt mới hơn 1.500 đồng hồ nước cho khách hàng, nâng tổng số đồng hồ nước mà xí nghiệp đang quản lý lên gần 5.000 đồng hồ.

Kế hoạch năm 2023-2024, Sawaco dự kiến đầu tư khoảng 70.000m ống ở các xã Cần Thạnh, Long Hòa, Bình Khánh, một phần nhỏ xã Lý Nhơn để tiếp tục thay thế hệ thống mạng lưới cấp nước của các vệ tinh và một số khu vực chưa có đường ống cấp nước với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Túc cho rằng, do địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa, việc đầu tư phát triển đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới cấp nước trên địa bàn huyện Cần Giờ cần nguồn vốn đầu tư nhiều hơn so với các khu vực khác trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước chưa nhiều do mật độ dân cư thưa dẫn đến việc đầu tư chưa mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, chủ yếu thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, phục vụ cộng đồng.