Đưa giáo dục miền di sản chùa Keo Thái Bình phát triển lên tầm cao mới

Nhiều ý kiến gợi mở có giá trị thực tiễn cao đã được Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) tiếp thu tại Hội thảo khoa học về Đề án “Phát triển ngành giáo dục và đào tạo huyện Vũ Thư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) Phạm Thị Như Phong mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng của đại biểu dự hội thảo khoa học.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) Phạm Thị Như Phong mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng của đại biểu dự hội thảo khoa học.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũ Thư cho biết: Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, huyện Vũ Thư quyết tâm xây dựng Đề án nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra mục tiêu, giải pháp chủ yếu để khắc phục, tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đánh giá cao về Đề án này, bởi trước đó mới có thành phố Thái Bình và huyện Hưng Hà có Nghị quyết và Đề án liên quan đến ngành giáo dục và đào tạo. Điều này cho thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đến lĩnh vực này, thể hiện tầm nhìn xa và coi phát triển sự nghiệp giáo dục như quốc sách hàng đầu để địa phương ổn định và phát triển.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Thái Bình về cơ bản thống nhất với những định hướng, mục tiêu phát triển giáo dục ở địa phương được đề cập trong Đề án. Tuy nhiên, huyện phải xác định rõ bước đi đột phá, có nét riêng trong phát triển giáo dục và đào tạo thời gian tới. Từ đó, xây dựng lộ trình cụ thể, huy động nguồn lực để thực hiện.

Ông Thành cho biết thêm, Trường đại học Thái Bình sẵn sàng trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này, bởi nhiều nội dung trong Đề án của huyện Vũ Thư có tính thực tiễn cao, thể hiện quyết tâm và khát vọng của địa phương để nâng tầm ngành giáo dục và đào tạo lên tầm cao mới.

Đưa giáo dục miền di sản chùa Keo Thái Bình phát triển lên tầm cao mới ảnh 2

Trước thềm năm học mới, lãnh đạo các nhà trường trên địa bàn huyện Vũ Thư vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm của chính quyền huyện đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình Vũ Mạnh Hiền đánh giá cao việc xây dựng Đề án đúng thời điểm, sẽ kịp thời tháo gỡ căn bản những nút thắt, bất cập trong phát triển giáo dục thời gian qua.

Ông cho rằng, vai trò của Hội Khuyến học các cấp cần được khẳng định rõ trong Đề án, nhất là việc đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng các Trung tâm học tập cộng đồng, hay như việc hợp tác quốc tế.

Ông Hiền lưu ý địa phương cần xác định lại tầm nhìn phát triển ngành giáo dục và đào tạo. Trong Đề án nêu ra tầm nhìn đến năm 2050 là quá xa, nên rút ngắn đến năm 2045 cho phù hợp với sự thay đổi, chuyển động sẽ diễn ra rất nhanh trong lĩnh vực giáo dục thời gian tới.

Một số ý kiến của thầy, cô giáo đại diện cho các cấp học cũng nhất trí với đánh giá về thực trạng, mục tiêu, giải pháp thực hiện cũng như hiệu quả của Đề án. Mong muốn sau hội thảo khoa học, chính quyền huyện Vũ Thư tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện Đề án để nhanh chóng triển khai, đem đến luồng gió mới cho ngành giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, bền vững.