Nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng

Những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định được vị trí, vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, liên tục; qua đó góp phần nâng cao dân trí, xây dựng tài nguyên học liệu mở, giúp người dân thành phố có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.
0:00 / 0:00
0:00
Trao Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam tặng các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài.
Trao Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam tặng các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, kết quả hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa đạt kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân.

Đổi mới phương thức hoạt động

Xác định trung tâm học tập cộng đồng là trường học suốt đời của mọi người, thời gian qua, phường Thạnh Lộc (Quận 12) đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng phường. Theo đó, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết riêng để lãnh đạo, xây dựng các chương trình hoạt động của Trung tâm nhằm phục vụ nhu cầu học tập của người dân địa phương. Về nhân sự, Đảng ủy phường Thạnh Lộc cử một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường làm Giám đốc Trung tâm để quản lý, điều hành trực tiếp. Từ việc đổi mới phương thức hoạt động, năm 2022, Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc đã tổ chức các chuyên đề về giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, văn hóa xã hội, phát triển kinh tế, giáo dục kỹ năng sống... Đồng thời, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn về nông nghiệp cho nông dân để ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao cho học sinh, người dân trên địa bàn tham gia.

Bà Võ Mỹ Thảo Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thạnh Lộc, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng phường cho biết: Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Trung tâm đã xây dựng nhiều đề án và mô hình mới, có kế hoạch cụ thể, thiết thực cho từng hoạt động, phù hợp nhu cầu hiện có của người dân. Đây được xem là giải pháp thực hiện có hiệu quả nhất. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, trung tâm đã bám sát nhiệm vụ chính trị, những vấn đề cần quan tâm của địa phương để xây dựng nội dung chương trình học tập phù hợp và thiết thực.

Bàn về cách huy động các nguồn lực để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, theo bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 11, hằng năm, để thu hút học viên, việc tổ chức lớp học, chuyên đề được các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn Quận 11 hết sức quan tâm. Không chỉ tích cực tuyên truyền, mở lớp phù hợp theo nhu cầu khảo sát trong dân, các trung tâm học tập cộng đồng còn chú ý đến độ tuổi của học viên, địa điểm học, những lưu ý riêng cho từng chuyên đề và đặc biệt là hiệu quả sau khi tham gia học tập. Thực tế, nhu cầu học tập của người dân rất đa dạng, nhưng kinh phí hoạt động, cũng như đội ngũ báo cáo viên còn rất hạn chế. Do đó, các trung tâm học tập cộng đồng đã chủ động huy động các nguồn xã hội hóa có thể để phục vụ hiệu quả nhất cho người học. “Với phương châm học phải đi đôi với hành, khi tổ chức lớp học, các trung tâm học tập cộng đồng của quận thường xuyên liên hệ, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn quận để có thể cung cấp các vật liệu thực hành miễn phí cho người học”, bà Trần Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Cần đa dạng hóa nội dung, chương trình giảng dạy

Sự năng động, linh hoạt của các trung tâm học tập cộng đồng Quận 11 thể hiện qua việc tổ chức nhiều lớp học hiệu quả, sát sườn với cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học tham gia. Cụ thể, khi tham gia lớp vi tính cơ bản dành cho người lớn tuổi, các cô chú học viên được bố trí học tại phòng máy của trường học, mỗi người ngồi một máy để có thể thực hành ngay những thao tác do giáo viên hướng dẫn. Kết thúc khóa học, người học đã có thể sử dụng máy vi tính một cách cơ bản để kết nối, tìm hiểu thông tin, kiến thức. Đối với các lớp hướng dẫn trồng rau sạch tại nhà, ngoài việc được hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật, mỗi người học đều được tặng dụng cụ, đất trồng, hạt giống để thực hành tại nhà. Trong quá trình trồng rau tại nhà, nếu có thắc mắc có thể liên hệ với báo cáo viên để được tư vấn thêm. Với các lớp học cần thực hành trên máy móc, Quận 11 giao các phường liên hệ, phối hợp các đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn để đưa học viên của trung tâm đến thực hành miễn phí. Thí dụ, khi học cắt may, học viên được sắp xếp học tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, có sẵn máy may để thực hành may thành phẩm. Với lớp học cắt tóc, vận động các tiệm cắt tóc hỗ trợ học viên cắt tóc thực hành miễn phí.

Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh đều đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Toàn thành phố hiện có gần 860 cán bộ quản lý trung tâm học tập cộng đồng. Đội ngũ giáo viên và báo cáo viên được thường xuyên củng cố, bổ sung, bảo đảm duy trì tốt các lớp học của trung tâm với 520 giáo viên và 2.777 báo cáo viên, cộng tác viên có kiến thức tốt, giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực. Năm 2022, các trung tâm đã tham gia nhiệm vụ xóa mù chữ cho 677 người; lớp phổ cập giáo dục bậc trung học có hơn 17 nghìn người theo học; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học cho hơn 60 nghìn người; lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, tập huấn nghề ngắn hạn và tư vấn kinh tế gia đình thu hút hơn 115 nghìn người tham dự; lớp tuyên truyền về giáo dục pháp luật, y tế sức khỏe, văn nghệ, thể dục-thể thao và một số nội dung khác đạt gần hai triệu người tham gia…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa đạt được kỳ vọng đặt ra, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập đa dạng của người dân và các yêu cầu phát triển bền vững của các cộng đồng, địa phương. Số lượng người tham gia học tập ít, nội dung hoạt động chưa phong phú, thiếu hấp dẫn, thậm chí có nơi còn tổ chức mang tính hình thức. Để nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng, ngành giáo dục và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền trong việc xây dựng mạng lưới học tập cộng đồng theo hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa nội dung chương trình giảng dạy cho người dân… ■