Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn

NDO - Ngày 20/3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Tỉnh ủy với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiêu biểu tỉnh Thái Bình. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong công tác giáo dục hiện nay được thầy, cô giáo cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và chính quyền huyện, thành phố trao đổi, bàn luận trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, giáo viên trên địa bàn.
Lần đầu tiên, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, giáo viên trên địa bàn.

Trong cả buổi sáng, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã lắng nghe 24 ý kiến phát biểu, trong đó có 11 ý kiến của cán bộ, giáo viên, còn lại là ý kiến các sở, ngành và chính quyền địa phương.

Dù thời gian tiếp xúc ngắn nhưng nhìn chung các ý kiến nêu ra tại hội trường hết sức thiết thực, cụ thể, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh được tâm tư, tình cảm nguyện vọng của đội ngũ thầy giáo, cô giáo trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) phát biểu tại Hội nghị.

Cô Nguyễn Thị Thanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) nêu ý kiến: Hiện nay nhà trường còn thiếu nhiều nhân viên nuôi dưỡng, tình trạng này diễn ra từ lâu. Để khắc phục, trường tự hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng theo thời hạn. Hầu hết đội ngũ này chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội nên cuộc sống rất khó khăn, không yên tâm công tác.

Thầy Trần Ngọc Quế, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Lập (huyện Vũ Thư) chia sẻ: Cơ sở vật chất ở trường học đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho thầy và trò học tập. Đề nghị lãnh đạo tỉnh hằng năm bổ sung thêm nguồn kinh phí để nhanh chóng cải tạo, sửa chữa cho các nhà trường, nhất là ưu tiên những xã khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách thu hút, xây dựng nguồn nhân lực giáo viên để các huyện hằng năm tuyển đủ giáo viên theo định mức biên chế. Hiện, các trường Tiểu học đang thiếu giáo viên, nhất là môn Tin học hiện khối Tiểu học vẫn chưa có giáo viên biên chế để giảng dạy.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 2

Ông Nguyễn Trọng Văn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà nêu nhiều ý kiến xác đáng về những bất cập trong hoạt động giáo dục hiện nay, rất cần cách tháo gỡ kịp thời.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Trọng Văn, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà kiến nghị: Giáo viên các cấp học hiện đang rất thiếu, do đó lãnh đạo tỉnh cân nhắc không tinh giảm biên chế đối với ngành giáo dục. Bên cạnh đó, tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, quy mô của các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở. Như ở Hưng Hà, chỉ có 4 trường Trung học phổ thông công lập, mới đáp ứng được hơn 50% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở có nhu cầu học tập. Đề nghị tỉnh xem xét cho mở rộng quy mô các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn các huyện, thành phố để tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Ông Văn cho biết thêm, hiện nay chúng tôi được biết ngân sách của nhà nước, của địa phương phục vụ cho việc mua sắm trang, thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có, nhưng không hiểu sao việc mua để cung cấp cho các cơ sở giáo dục hiện hết sức khó khăn và chậm. Đến nay, tại các địa phương mới có trang, thiết bị dạy học của lớp 1, còn toàn bộ thiết bị dạy học từ lớp 2 đến lớp 8 chưa được cung ứng đến cơ sở.

Các ý kiến còn lại của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nêu ra tại buổi đối thoại tiếp tục đề cập đến nhiều vấn đề về cơ sở vật chất, chế độ, đội ngũ giáo viên, vấn đề tuyển dụng, một số vấn đề liên quan đến chính sách của tỉnh Thái Bình.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 3

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình thẳng thắn đề cập đến hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan đang diễn ra, nhất là tại thành phố và các thị trấn trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành ngoài việc ghi nhận, đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục, của mỗi thầy cô trong nhiều năm qua, thì cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh.

Cụ thể là vấn nạn học thêm và dạy thêm tràn lan hiện nay ở khu vực thành phố và các thị trấn thuộc các huyện. Dạy thêm, học thêm không có gì xấu, hình ảnh người thầy đi suốt cuộc đời mỗi con người, rất đáng trân trọng. Nhưng có một bộ phận giáo viên đang làm mất hình ảnh đẹp này khi thực hiện việc dạy thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận, nhất là các bậc phụ huynh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình phân tích: “Chúng ta thử nghĩ xem, bậc Tiểu học có cần phải học thêm nhiều không? Quy định không giao bài về cho học sinh khối Tiểu học, nhưng thực tế tôi được biết chúng ta vẫn giao bài. Các con ngày 2 buổi đến trường, tối lại học thêm. Đêm khuya tiếp tục làm bài tập thầy cô giao hết sức vất vả, áp lực”.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 4

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận đề nghị toàn ngành giáo dục cần nhìn nhận rõ những tồn tại, kịp thời chủ động uốn nắn, khắc phục những hạn chế.

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: Thường trực Tỉnh ủy hết sức lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã phát biểu. Tuy nhiên, các đồng chí cũng phải tự nhìn nhận thật rõ về những tồn tại hiện nay trong ngành giáo dục và có sự chủ động trong khắc phục những hạn chế đó.

Trước hết, các huyện, thành phố phải thực hiện tuyển đủ số lượng giáo viên được phân bổ; triển khai dần hoạt động tự chủ trong trường học; rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay và cũng có thể tính đến cả việc sáp nhập để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng ngay Đề án bố trí việc làm, đây là cơ sở quan trọng để tổ chức thăng hạng giáo viên, cùng với đó là đào tạo lại đội ngũ giáo dục để nâng cao trình độ, nhất là tiếng Anh.

Để giảm áp lực cho các nhà trường, đồng chí cho rằng cần hạn chế các cuộc thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu các cuộc thi không cần thiết trong trường học và siết chặt hoạt động học tập trải nghiệm đang bị lạm dụng, biến tướng.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 5

Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp tục đầu tư cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị tiếp xúc, đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải khẳng định: Thường trực Tỉnh ủy hết sức quan tâm đến ngành giáo dục và buổi gặp gỡ hôm nay thể hiện rõ điều này.

Các phát biểu, kiến nghị của thầy cô giáo được Thường trực Tỉnh ủy ghi chép, tổng hợp đầy đủ, sau đây sẽ có phân tích, đánh giá và trả lời cụ thể đến các đầu mối, các địa phương và ngành giáo dục.

Đồng chí nhấn mạnh, hơn ai hết chính cấp ủy, chính quyền địa phương, cụ thể là cấp huyện có thể nắm bắt, giải quyết được những vấn đề về chất lượng đội ngũ giáo viên trên địa bàn; về cơ cấu, năng lực, trình độ, số lượng và kể cả việc phân bổ đội ngũ giáo viên trong từng trường, từng lớp sao cho khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu bằng nhiều giải pháp khác nhau một cách đồng bộ, toàn diện chứ không phải tập trung vào mỗi việc tuyển dụng.

Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đối thoại với 355 cán bộ, giáo viên trên địa bàn ảnh 6

Các đại biểu tham dự Hội nghị tiếp xúc, đối thoại.

Tại buổi đối thoại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương phải quan tâm ngay đến việc hoàn thiện Đề án vị trí việc làm vì nó gắn với việc củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên; gắn với việc nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản lý; rồi cũng gắn ngay vào quyền lợi của đội ngũ giáo viên. Nếu không làm sớm sẽ ảnh hưởng ngay đến thời điểm chuyển lương mới (tháng 7/2024) và như vậy rất thiệt thòi cho đội ngũ giáo viên.

Vừa qua, tỉnh Thái Bình đã có các mô hình trường liên cấp, rồi các mô hình sáp nhập các cơ sở giáo dục theo đơn vị hành chính. Sau 3 năm thực hiện, điểm được là gì và bất hợp lý là gì? Đối với vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất cần sự đánh giá trực tiếp của cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, kể cả của học sinh và phụ huynh học sinh.

Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn cũng như các điều kiện tiêu chuẩn khác cho đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh để theo kịp yêu cầu phát triển giáo dục.Bên cạnh đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tiếp tục đầu tư cho ngành giáo dục trong thời gian tới.