Chú trọng chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Kon Tum về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số, Trường tiểu học xã Ðăk Pxi (huyện Ðăk Hà) đã tích cực triển khai công tác dạy và học theo định hướng này, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng cao chất lượng đào tạo học sinh dân tộc thiểu số tại Trường tiểu học xã Ðăk Pxi.
Nâng cao chất lượng đào tạo học sinh dân tộc thiểu số tại Trường tiểu học xã Ðăk Pxi.

Trường tiểu học xã Ðăk Pxi có sáu điểm trường, tổng số 32 lớp học, 771 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 96,1%. Với đặc thù của một xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên công tác dạy và học ở đây còn gặp những khó khăn như: Quy mô trường lớn nhưng có nhiều điểm trường, khoảng cách lại khá xa nhau, gây không ít khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý, họp hành cũng như sinh hoạt chuyên môn tập trung của nhà trường, nhất là với giáo viên phụ trách các bộ môn.

Năm học 2023-2024, nhà trường có 13 học sinh lớp 4 thôn Krong Ðuân, xã Ðăk Pxi về học ở điểm trường Kon Pao Kơ La 2, do khoảng cách đi lại xa nên các em thường đi học muộn, hoặc không đi học khi thời tiết xấu, đường sá cách trở…

Thầy Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Ðăk Pxi cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số, trường đã triển khai nhiều nội dung trọng tâm, thiết thực như: Tổ chức dạy tăng cường để bảo đảm tất cả học sinh đều được học hai buổi/ngày, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018; phân công giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 ở cả sáu điểm trường đứng chân; tập cho học sinh làm quen với sách vở, đồ dùng học tập; hướng dẫn cho học sinh cách giao tiếp với mọi người; dạy cho các em các nội quy, quy định, ký hiệu trong học tập; hướng dẫn cho các em các kỹ năng nghe, nói, cách đọc, cách viết ban đầu cho đến tư thế cầm bút, vở và tư thế ngồi học…

Ðối với các môn tiếng Việt và Toán, nhà trường chủ yếu dạy các em theo hướng trải nghiệm, qua các hình thức “Học thông qua chơi”, “Học qua trải nghiệm” để tạo hứng thú học tập, giảm áp lực kiến thức cho các em; thường xuyên củng cố, ôn tập kiến thức, trong đó chú trọng bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, năng lực, đồng thời tổ chức phụ đạo đối với học sinh còn yếu về các mặt.

Bên cạnh đó, nhà trường sử dụng các công cụ bổ trợ: Tài liệu Em nói tiếng Việt (dành cho học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số - theo Ðề án 1008 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo); tài liệu tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 vùng dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Ðào tạo; bộ công cụ 32 thẻ học phát triển năng lực; 7 bộ truyện song ngữ về truyền thống văn hóa, lịch sử tỉnh Kon Tum… để hướng dẫn các em trong quá trình dạy và học được hiệu quả hơn.

Từ việc triển khai quyết liệt, phù hợp các nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Kon Tum, chất lượng giáo dục của học sinh tại Trường tiểu học xã Ðăk Pxi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm học 2023-2024, tỷ lệ nhà trường huy động học sinh 6 tuổi ra lớp đạt 100%. Việc duy trì sĩ số nhà trường đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần đạt 99%, học sinh đi học đúng giờ đạt 98%; có 99,3% số học sinh hoàn thành chương trình lớp học và 99% số học sinh có năng lực, phẩm chất tốt và đạt.

Thầy Nguyễn Trung Dũng cho biết: Thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân xã Ðăk Pxi về đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số. Ðồng thời, nhà trường phối hợp phụ huynh học sinh thực hiện tốt việc giáo dục cho các em cả trên trường lẫn ở nhà, chú trọng phân công giáo viên chủ nhiệm duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh đến trường.

Mặt khác, nhà trường tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy và học phù hợp đối tượng học sinh vùng dân tộc thiểu số cho giáo viên. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, nhằm huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh để chăm lo cho học sinh. Tổ chức tốt mô hình bán trú dân nuôi “Cặp lồng cơm đến trường” để các em có điều kiện tham gia học cả ngày.