Bảo tồn và gìn giữ lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều tỉnh Quảng Bình

NDO- Chiều 18/11, tại bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) diễn ra lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và trình diễn lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Quảng Bình trao bằng Di sản cho huyện Lệ Thủy và xã Ngân Thủy
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Quảng Bình trao bằng Di sản cho huyện Lệ Thủy và xã Ngân Thủy

Đây là hoạt động để thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy thường được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới. Trong lễ hội của đồng bào hiện nay vẫn còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức để tạ ơn trời đất đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hoá tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hoá cộng đồng của người dân địa phương.

Bảo tồn và gìn giữ lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều tỉnh Quảng Bình ảnh 1

Trình diễn lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy

Ngày 6/3/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 471/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội thể hiện ý chí, tinh thần đoàn kết của đồng bào, cầu mong cuộc sống bình an, sản xuất thắng lợi, mùa màng bội thu; góp phần nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp thu, kế thừa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Lễ hội có 2 phần: Phần lễ với nghi lễ có “tính thiêng” và phần hội với các trò chơi dân gian, như: xà hùa, đẩy gậy, kéo co…và diễn xướng văn nghệ dân gian, làn điệu xà nớt, tà oải của dân tộc Bru-Vân Kiều. Ngay sau lễ hội, cả bản từ người già đến trẻ em cùng ăn bữa cơm cộng đồng.

Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc lễ hội Mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của chính quyền các cấp và nhân dân xã Ngân Thủy nói riêng, huyện Lệ Thủy nói chung trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Già Hồ Chí Trọng ở Ngân Thủy cho biết thêm, sống bên mái Trường Sơn hùng vĩ, trước đây đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều thường làm lúa rẫy và sau mỗi vụ như vậy là bà con có tục mừng cơm mới để bước vào một vụ rẫy mới. Sau này, dohậu quả của chiến tranh và những chuyến du canh, du cư, tục cúng cơm mới dần bị mai một. Đến gần đây, chính quyền các cấp đã quan tâm giúp bà con phục dựng nghi lễ văn hóa tâm linh có nhiều tiến bộ này.

Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Văn Hùng cho biết, Ngân Thủy có vùng thảo nguyên, hang động, khe suối tuyệt đẹp đang được khai thác phát triển du lịch. Xã cũng đang tổ chức mô hình du lịch văn hóa cộng đồng trong đồng bào Bru-Vân Kiều. Việc lễ hội Mừng cơm mới của người Bru Vân Kiều xã Ngân Thủy được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo điều kiện để địa phương gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, đồng thời đưa lễ hội thành một sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch.

Trước đó, sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch”. Tham luận, ý kiến tại hội thảo tập trung trao đổi, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm sau: giải pháp xây dựng, thực hiện các chính sách để huy động nguồn lực; động viên, tôn vinh những nghệ nhân và chủ thể đang bảo tồn, thực hành lễ hội và đề cao, phát huy vai trò cộng đồn trong tổ chức các hoạt động liên quan lễ hội.