Tuyến đường tốc độ cao kết nối từ Thái Nguyên lên Chợ Mới rộng thênh thênh đã rút ngắn thời gian lưu thông từ Chợ Mới về Hà Nội chỉ còn gần 2 giờ đồng hồ. Con đường chạy qua đã mở rộng lối giao thương vùng cửa ngõ của Bắc Kạn và tạo điều kiện phát triển kinh tế cho rất nhiều xã khó khăn, vốn là vùng cách biệt của huyện Chợ Mới.
Một đoạn đường tốc độ cao Thái Nguyên lên Chợ Mới. (Ảnh: NGỌC TÚ) |
Cây mơ là điển hình cho sự chuyển đổi ở vùng đất cửa ngõ của Bắc Kạn.
Chúng tôi về xã Cao Kỳ, thủ phủ cây mơ vàng của huyện Chợ Mới và của cả tỉnh Bắc Kạn. Sau vụ thu hoạch thắng lợi, những ngày này người dân đang tập trung chăm sóc cây mơ vàng, chuẩn bị cho một vụ mới.
Cây mơ là điển hình cho sự chuyển đổi ở vùng đất cửa ngõ của Bắc Kạn. Hơn 10 năm trước, cây mơ được trồng nhiều ở Chợ Mới. Cây hợp đất, sinh trưởng tốt, sai quả, tuy nhiên vì không có đầu ra nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều hộ sau vài năm chăm sóc, thu hái đã phải cắn răng chặt bỏ để chuyển sang trồng những loại cây khác.
Từ khi có đường cao tốc từ Thái Nguyên lên Chợ Mới, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki đã xây dựng nhà máy chế biến mơ xuất khẩu tại xã Thanh Bình. Vận hội mới đã mở ra với người trồng mơ và cả huyện Chợ Mới. Công ty liên kết, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, thu hái quả đúng kỹ thuật, bao tiêu ổn định mơ quả. Sản phẩm sau chế biến được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Chế biến nông sản tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki. (Ảnh: TUẤN SƠN) |
Theo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki Hoàng Thị Lập, chế biến mơ muối là sản phẩm chủ chốt của công ty, được thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng. Ngoài chế biến mơ, công ty còn mở rộng liên kết trồng, chế biến củ cải khổng lồ, kiệu, rau cải Nhật… cũng xuất sang thị trường Nhật Bản.
Quả mơ bán được giá, trung bình cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, kỷ lục nhất có vụ bán được 13.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ. Thu nhập một năm của gia đình có thể được hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng.
Ông Hà Quảng Đường, ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn
Theo ông Hà Quảng Đường, ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ, quả mơ bán được giá, trung bình cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, kỷ lục nhất có vụ bán được 13.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ. Thu nhập một năm của gia đình có thể được hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng.
Cây mơ vàng hồi sinh, được canh tác đúng kỹ thuật, liên kết bền vững đã làm đổi thay nhiều thôn, bản vùng cao của Chợ Mới.
Theo Trưởng thôn Nà Nguộc Đặng Phúc Thanh, thôn có 72 hộ dân tộc Dao thì có đến 90% trồng cây mơ, hầu hết đã cho thu hoạch. Hộ trồng ít, mỗi năm thu vài chục triệu đồng, hộ nhiều vài trăm triệu đồng. Số hộ có nhà xây kiên cố chiếm gần 70%.
Với lợi thế vùng cửa ngõ, thuận đường về xuôi nên Chợ Mới đang dần trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Khu công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Bình đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chế biến gỗ hiệu quả.
Chế biến gỗ trong khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh: HƯƠNG DỊU) |
Hiện trong khu công nghiệp này có bốn doanh nghiệp lớn sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Lechenwood Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Govina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ ép Anh Bình, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động.
Sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Chợ Mới nhờ vậy đã tăng từ 39 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 474 tỷ đồng vào năm 2022. Toàn huyện có 265 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động.
Những đổi thay của Chợ Mới hiện tại là bước chuyển mình rất lớn so với thời điểm thành lập huyện cách đây 25 năm. Vào năm 1998, khi mới thành lập, đời sống đại bộ phận người dân còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1,3 triệu đồng/năm.
Vùng trồng mơ của Chợ Mới đang dần kết hợp thêm làm du lịch sinh thái. (Ảnh: BÍCH HUYỀN) |
Số hộ nghèo đói còn cao so bình quân chung của tỉnh. Mạng lưới giao thông nông thôn chưa phát triển khi huyện có tới năm xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm. Toàn huyện còn 14 xã, thị trấn chưa có điện lưới quốc gia, 9 xã chưa có điện thoại; 14 xã chưa được phủ sóng truyền hình. Hầu hết các xã chưa được đầu tư các công trình thủy lợi; diện tích ruộng bị hạn còn rất lớn…
Sau 25 năm, đến nay, kinh tế-xã hội của Chợ Mới có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Sau 25 năm, đến nay, kinh tế-xã hội của Chợ Mới có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Huyện từng bước phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, một số diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP; đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất; hình thành vùng trồng rau chuyên canh.
Các loại cây đặc sản có thế mạnh của huyện như chè Shan tuyết, chè trung du, cây dược liệu (quế, hồi), cây ăn quả (cam, quýt, mơ)... tiếp tục được mở rộng.
Người dân xã Như Cố trồng cây ớt chỉ thiên trên đất ruộng. (Ảnh: NGỌC TÚ) |
Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Triệu Đức Văn cho biết, Đảng bộ huyện xác định nòng cốt, động lực phát triển kinh tế của Chợ Mới phải gắn với công nghiệp chế biến gỗ và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp khác. Do vậy, thời gian tới, huyện tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông, lâm sản chủ lực để nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đảng bộ huyện xác định nòng cốt, động lực phát triển kinh tế của Chợ Mới phải gắn với công nghiệp chế biến gỗ và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp khác. Do vậy, thời gian tới, huyện tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi một số nông, lâm sản chủ lực để nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Triệu Đức Văn
Huyện sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp.
Huyện phối hợp triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông, lâm sản...
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn thăm, kiểm tra một dự án chăn nuôi quy mô lớn tại xã Thanh Thịnh, Chợ Mới. (Ảnh: NGỌC TÚ) |
Chợ Mới đang trở thành huyện có sức hấp dẫn, thu hút đầu tư bậc nhất của tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà đã có cả những nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội đầu tư.
Dự kiến, đường cao tốc từ Chợ Mới đi thành phố Bắc Kạn sẽ được khởi công vào năm 2024 càng mở ra cơ hội lớn hơn cho địa phương này. Chợ Mới đã và đang chuyển mình theo hướng tích cực, đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh miền núi khó khăn Bắc Kạn.