Bắc Kạn nỗ lực đưa nước sạch về vùng cao

Với hàng nghìn thôn, bản ở vùng cao, nhưng nhờ nỗ lực, vượt khó của chính quyền địa phương nên phần lớn địa bàn ở tỉnh Bắc Kạn đã có nước sạch, nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, ở một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, cần sớm được tháo gỡ, hỗ trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy nước Bộc Bố (Pác Nặm) mới được đầu tư xây dựng, góp phần cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.
Nhà máy nước Bộc Bố (Pác Nặm) mới được đầu tư xây dựng, góp phần cung cấp nước sạch cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.

Do đặc thù về địa hình, nguồn nước sạch thường ở rất xa khu dân cư cho nên suất đầu tư cho mỗi công trình cấp nước sạch ở Bắc Kạn rất cao. Ðây là bài toán khó đối với khả năng cân đối ngân sách của Bắc Kạn. Vì thế, tỉnh đã chủ trương lồng ghép, huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau để từng bước đầu tư hoàn thiện mạng lưới cấp nước sạch cho khu vực nông thôn.

Trước hết phải kể đến chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2016-2022 đã mang lại những kết quả thiết thực, giải quyết vấn đề nhu cầu nước sinh hoạt, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn. Sau sáu năm triển khai, số đấu nối nước sạch mới là 12.301, trong đó 5.558 số đấu nối nước bền vững; xây mới 161 công trình nước sinh hoạt nông thôn; giúp tỷ lệ người dân nông thôn được đầu tư sử dụng nước sạch theo quy chuẩn tăng từ hơn 23% lên hơn 44%...

Cùng nỗ lực của các đơn vị thực hiện chương trình, người dân tại các địa phương được hưởng lợi đã có thay đổi rõ rệt trong hành vi liên quan đến vệ sinh và nước sạch. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn tăng. Từ chỗ hầu như người dân khu vực nông thôn không phải trả tiền sử dụng nước, đến nay, 25/27 xã có công trình nước sạch sử dụng vốn Chương trình đã áp dụng giá nước...

Có được kết quả đó, nhờ lồng ghép các nguồn lực, Bắc Kạn hiện có 661 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 25.600 hộ hưởng lợi; hơn 98% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 42% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam; hơn 95% hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỉnh đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin công trình cấp nước tập trung nông thôn và Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh hằng năm.

Các công trình đưa vào vận hành đã đóng góp rất lớn vào việc xây dựng, hoàn thành tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Ðơn cử như tại huyện Chợ Ðồn, hiện có hơn 170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhờ được đầu tư, đến nay, huyện đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên hơn 90%.

Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bắc Kạn, đến nay, toàn tỉnh có 286 công trình sử dụng nhưng không hiệu quả, chiếm tỷ lệ 40,7%; có 114 công trình không sử dụng được, chiếm tỷ lệ 16,3%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bất cập ngay khi khảo sát, thiết kế để xây dựng các công trình của các chủ đầu tư; công tác bàn giao; quản lý hồ sơ ở một số công trình chưa được thực hiện.

Việc khảo sát nguồn nước và địa điểm xây dựng công trình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chưa thật sự phù hợp nên nhiều công trình xây dựng xong không phát huy được hiệu quả, không đủ cung cấp nước cho người dân. Sự vào cuộc của chính quyền một số xã chưa quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành quản lý và sử dụng công trình.

Phần lớn các công trình không thu tiền nước, một số công trình thu tiền nước nhưng giá thấp, các khoản thu này được sử dụng cho chi phí tiền điện, sửa chữa thường xuyên thiết bị, trợ cấp cho tổ quản lý... nhưng thu không đủ chi, nhiều công trình hư hỏng không có nguồn kinh phí để sửa chữa.

Ðể giải quyết tình trạng trên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn xây dựng phương án quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch theo hướng tất cả các công trình đều phải thu tiền sử dụng nước để người dân có ý thức, trách nhiệm. Ðể tránh tái diễn tình trạng công trình hư hỏng sau đầu tư, tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và bảo vệ các công trình.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2023 địa phương bắt đầu triển khai dự án cấp nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Kạn năm 2023-2025. Theo đó, với tổng vốn đầu tư 59 tỷ đồng, tỉnh sẽ xây dựng 24 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng trên địa bàn các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Mới, Chợ Ðồn...