Bản nghèo làm giàu từ mơ trắng

Khi dòng sông Cầu róc rách và tiếng đàn Tính đã âm vang, chuếnh choáng men say của hơi rượu men lá, hương xuân đã về cũng là lúc rừng mơ bật trắng hoa trên những sườn đồi. Những mùa mơ trắng ở Nà Nguộc, Tổng Tằng, Bản Phố... là nét mới đầy sức sống vài năm qua ở vùng cao này.
0:00 / 0:00
0:00
Một đồi mơ xanh đang kỳ đậu quả.
Một đồi mơ xanh đang kỳ đậu quả.

Những vườn mơ ký ức

Ngày Tết, những đứa trẻ bản Dao Nà Nguộc, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) má đỏ hây hây vì giá rét, tung tăng chạy giữa những rừng mơ trắng. Đâu đó, dưới những tán mơ tinh khiết, những thiếu nữ e ấp, tạo dáng chụp ảnh. Đi giữa rừng mơ lại nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc: “Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”.

Tạo hóa đã ban cho cây mơ một chu kỳ sinh trưởng tuyệt vời. Sau những ngày trĩu quả mùa hè, những cây mơ tưởng như cạn mạch sống, lá úa vàng. Khi bước sang đông, gió rét tràn về, sương muối lạnh hằng đêm, những chiếc lá cuối cùng còn sót lại cũng rơi về với đất. Những chiếc lá rụng xuống, hòa vào đất lại tạo nguồn sống nuôi dưỡng chính những cây mơ. Để rồi khi xuân tới, trên những cành cây khẳng khiu, gầy guộc, những nụ hoa bắt đầu hé lộ. Từ những cành cây, những nách lá với mầm xanh chúm chím cũng dần lộ ra. Sự sống cứ trỗi dậy mà chẳng mấy ai để ý. Để rồi bất chợt một ngày khi mầu hoa mơ trắng bung nở trên sườn đồi, những ông ké người Tày, ông cụ người Dao trong bản mới xoa đầu cháu nhỏ: Đến Tết rồi đấy cháu ạ.

Len giữa những gốc mơ xù xì, chắc nịch, Trưởng thôn Nà Nguộc Đặng Phúc Thanh bâng khuâng: Những năm 90 của thế kỷ trước, cây mơ bắt đầu bén rễ tại đây và cả xã Cao Kỳ theo phong trào xóa đất trống đồi trọc. Cây mơ sinh trưởng mang theo một ước vọng nhỏ của người dân ấy là có cây giữ đất và có quả để bán tăng thu nhập. Chẳng ai mơ cây mơ sẽ làm giàu, kể cả những hộ dân ở Chộc Toòng, Nà Cà 1, Hua Phai…

Dự cảm ấy dần trở thành hiện thực khi hàng trăm ha mơ không mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục năm liền. Có thời điểm cây mơ giá cả không ổn định, thậm chí bán không ai mua nên nhiều hộ dân bỏ hoang không chăm sóc, nhiều diện tích cằn cỗi, sản lượng thấp. Không hiếm những cây mơ hàng chục năm tuổi, thân lớn, xù xì bị chặt xuống chỉ để làm củi. Nhiều vườn mơ tan ước mơ có thu nhập từ mơ quả như chính những thân mơ cháy rụi sau đốn hạ.

Những ngày đầu tháng 3, khi mà cái rét đã dần xuôi, sương mù không còn trắng, giá buốt đêm lạnh hay sáng sớm cũng là lúc những trái mơ xanh nhỏ lúc lỉu, e ấp dưới tán lá xanh. Ông Hà Quảng Đường, một tỷ phú từ mơ ở Bản Mại bảo, vài tháng nữa là đến kỳ thu hoạch rồi. Hơn 30 năm trước, ông Đường dắt vợ vào khai khẩn ở vùng heo hút này. Loài cây ông chọn trồng mang theo bao hy vọng chính là cây mơ. Nhưng cây mơ chỉ cho “trái ngọt” được vài năm đầu, sau đấy, giá bán thấp chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, không đủ chi phí để thuê người hái, vận chuyển nên nhiều nông hộ đã chặt bỏ. Riêng ông Đường, không hiểu vì một lý do nào đó vẫn đau đáu niềm tin một ngày cây mơ sẽ trở lại thời hoàng kim nên quyết giữ vườn, bảo vệ chăm sóc hàng chục năm dù không cho thu nhập gì đáng kể.

Bản nghèo làm giàu từ mơ trắng ảnh 1

Ông Hà Quảng Đường bên những cây mơ sai trĩu quả.

Không chỉ giữ lại vườn mơ cũ, ông Đường còn tiếp tục trồng thêm, đến nay gia đình đã có hơn 5ha. 5 năm trở lại đây, quả mơ bán được giá, trung bình cũng từ 8.000-10.000 đồng/kg, kỷ lục nhất có vụ bán được 13 nghìn đồng/kg. Ông Đường nhẩm tính, mỗi hAa trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ, thu nhập một năm của gia đình có thể được hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng.

Mơ muối, rượu mơ sang Nhật Bản

Giống mơ vàng ở Bắc Kạn đã được phía Nhật Bản quan tâm từ cách đây gần 8 năm. Khi ấy thành viên của Đại sứ quán Nhật Bản khi thăm vùng mơ ở Bắc Kạn đã đánh giá hương vị mơ quả rất phù hợp với thị hiếu của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, phải rất lâu sau đó thì vùng mơ Bắc Kạn mới có cơ hội đến với Nhật Bản.

Tôi không rõ vì sao chị Hoàng Thị Lập lại quyết định bỏ công chức ngành nông nghiệp để quyết định liên kết đầu tư rồi trở thành Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki. Nhưng qua câu chuyện, có thể thấy chị thừa quyết tâm và đặc biệt “yêu” cây mơ. Không thể kể hết những gian khó thuở ban đầu khi chị lặn lội khắp ở Cao Kỳ để vận động, tuyên truyền người dân dừng chặt mơ. Rồi chị hướng dẫn cách chăm sóc, thu hoạch kể cả kỹ thuật nhân giống để làm sao có giống mơ đúng chuẩn. Để rồi giờ đây, nhờ công ty, người dân yên tâm, chắc chắn rằng cây mơ sẽ làm giàu chứ không còn là giấc mơ nữa. Trong đó, những hộ như ông Đường chính là nhân tố quan trọng duy trì niềm tin vào cây mơ ở vùng đất này. Để rồi, cứ thế, từng năm, lại có thêm nhiều sải rừng mơ trắng muốt hoa khi xuân về. Sự hồi sinh của cây mơ, cũng là con đường để nhiều bản làng xa xôi ở tỉnh Bắc Kạn vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Những đứa trẻ ở bản Dao Nà Nguộc giờ không còn phải chứng kiến cảnh mơ rụng đầy gốc mà không ai buồn thu nhặt nữa bởi lẽ mơ quả được thu hái bán cho nhà máy. Quy trình hái quả của đồng bào dân tộc nơi đây cũng phải cẩn thận hơn để từng quả mơ xanh không bị dập, nát. Cây mơ đã “đổi đời” cho bản Dao. Có lẽ vì thế, người ta cũng nâng niu trân trọng những cánh hoa mơ trắng hơn rất nhiều.

Chưa đầy chục năm trước, Nà Nguộc vẫn là một trong những thôn nghèo, khó khăn nhất của xã Cao Kỳ. Nhưng từ khi quả mơ được giá, chỉ hơn 5 năm trở lại đây, Nà Nguộc đã “lột xác” hoàn toàn. Ở Nà Nguộc bây giờ đa phần là nhà xây có giá trị từ 1 đến 2 tỷ đồng/căn. Trưởng thôn Nà Nguộc Đặng Phúc Thanh phấn khởi, thôn có 72 hộ dân tộc Dao thì có đến 90% trồng cây mơ, hầu hết đã cho thu hoạch, hộ ít năm thu vài chục triệu đồng, hộ nhiều vài trăm triệu đồng. Số hộ có nhà xây kiên cố chiếm đến gần 70%.

Điều rất đặc biệt là nếu như trước đây, người dân phải chật vật tìm tư thương vào mua mơ với giá rẻ mạt thì giờ đây tư thương nhỏ lẻ có muốn đến Chợ Mới mua mơ cũng rất khó. Bởi lẽ, sự xuất hiện nhà máy chế biến của Công ty TNHH Việt Nam Misaki tại đây đã trở thành “bảo chứng” bền vững cho cây mơ. Toàn bộ mơ quả được nhà máy thu mua với giá ổn định. Toàn bộ sản phẩm sau chế biến đều lên đường xuất khẩu sang Nhật Bản. Hai sản phẩm chủ yếu từ mơ quả của công ty là mơ muối và rượu mơ, chế biến theo thị hiếu của người dân Nhật Bản, theo công nghệ Nhật Bản. Cao cấp là rượu mơ vẩy vàng với hình thức sang trọng, chất lượng cao.

Nhờ có những cánh rừng mơ bạt ngàn, bung nở trắng sườn đồi khi vào xuân, kéo qua sau Tết, vài năm gần đây, dân tình lũ lượt kéo nhau về check-in trên những rừng mơ trắng. Thật vui khi biết, xã Cao Kỳ cũng đã bàn thảo để sớm đề xuất phát triển du lịch gắn với những rừng mơ trắng. Biết đâu đó, những rừng mơ nơi đây không chỉ có quả mà cả hoa mơ cũng sẽ tiếp tục giúp người dân làm giàu.