Độc đáo sản phẩm mỹ nghệ lục bình

Nghề đan lục bình gắn bó với người dân Hậu Giang đã hàng chục năm, được xem là nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của tỉnh. Từ một loài cây bị “ghẻ lạnh”, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân, lục bình đã được “hóa kiếp” trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị, giúp cuộc sống bà con được sung túc, no đủ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm từ lục bình có mặt tại nhiều cửa hàng và các điểm du lịch.
Sản phẩm từ lục bình có mặt tại nhiều cửa hàng và các điểm du lịch.

Khắp hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt dọc theo các con sông Cái Lớn, Nước Đục của Hậu Giang, lục bình mọc rất nhiều; đây là nguyên liệu chính để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng. Nghề đan lục bình có ở Hậu Giang đã hơn hai mươi năm, phân bố ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Ngã Bảy.

Về xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những xã viên Hợp tác xã (HTX) Thanh Tú tay thoăn thoắt đan những sản phẩm lục bình. Chủ nhiệm HTX Lê Thị Ngọc Thu là người khởi xướng nghề đan lục bình tại đây. Lúc đầu chị học nghề từ người chị ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp; sau đó dạy lại cho các chị em ở địa phương. Vì là tay ngang cho nên các cô, các chị người nào nhanh thì học dăm ba ngày là tự thực hiện các thao tác đan một cách thuần thục. Còn người nào chậm hơn thì mất khoảng một tuần cũng rành nghề. Nghề đan lục bình không quá vất vả, người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được. Chị Nguyễn Ngọc Dung cho biết, mọi người thường đan theo khuôn mẫu có sẵn, làm xong giao thành phẩm cho HTX và được hưởng lương theo sản phẩm, nếu khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều, do đó ai nấy đều cố gắng. Từ khi tham gia cùng chị em ở đây, gia đình chị Dung kiếm được bình quân hơn 4 triệu đồng mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt.

HTX Thanh Tú thành lập năm 2008, mỗi tháng cung ứng ra thị trường trung bình từ 4.000-5.000 sản phẩm, được thu mua bán cho một số cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh gia công, xuất sang các nước Nhật Bản, Italia. Đầu ra của sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình rất ổn định, được thị trường ưa chuộng tiêu thụ quanh năm, không lo tồn đọng hàng. Không chỉ vậy, khi tham gia làm ăn tập thể, các xã viên được đào tạo nghề, cung cấp dây đan và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện, hợp tác xã có 11 tổ nhóm với 750 lao động, thường xuyên nâng cao tay nghề để tạo ra các sản phẩm chất lượng.

Ở xã Vị Thắng, chị Lê Thị Ngọc Thu là người khởi xướng nghề đan lục bình thì ở huyện Long Mỹ chàng thanh niên Trần Quang Thoại là người ghi dấu khá rõ nét với nghề “cắt lá ra tiền”. Gia cảnh khó khăn, vừa học xong lớp 7, Thoại đã xa quê tìm kế mưu sinh. Trong một lần tình cờ thấy những sản phẩm làm từ lục bình, anh đã tìm hiểu, học hỏi và sau đó trở về quê mở cơ sở đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, anh bắt tay vào sản xuất và sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới xen lẫn sự phá cách, nhưng vẫn bảo đảm tính tiện dụng cho người tiêu dùng như nón, giỏ xách, dụng cụ đựng đồ, hộp, sọt, tủ kệ dùng để trang trí nội thất. Trung bình, mỗi sản phẩm khi hoàn chỉnh có giá từ 18.000-200.000 đồng tùy từng mẫu và theo yêu cầu đặt hàng của đối tác.

Đến nay, sau 6 năm nỗ lực, chàng thanh niên trẻ đã có trong tay cơ sở đan lát lục bình với doanh thu từ 1-2 tỷ đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương và một số vùng lân cận. Cứ đều đặn nửa tháng một lần, cơ sở sản xuất tiêu thụ từ 1.000-3.000 sản phẩm các loại, cung cấp chủ yếu cho Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mấy năm gần đây, các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Hậu Giang đã cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu quanh năm theo hướng sản xuất hàng hóa, việc tiêu thụ sản phẩm cũng được giải quyết ngày càng tốt hơn. Dù được ví von là phận “bèo dạt mây trôi”, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ, những nhánh lục bình trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị. Nghề đan lục bình không mới nhưng từ cách làm ăn tập thể, giúp xã viên phát triển các dịch vụ liên hoàn, những chuỗi sản xuất liên quan tới lục bình đang góp phần giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.

Tại thành phố Cần Thơ, sản phẩm lục bình được trưng bày, giới thiệu ở một số điểm du lịch. Các mặt hàng từ giỏ, rổ, túi đeo, mũ vành, bình, bông tai… làm từ lục bình thu hút rất nhiều sự quan tâm, mua sắm của du khách. Do không ngừng đổi mới mẫu mã, hình dáng, kiểu cách nhằm thích nghi với nhu cầu của thị trường, những sản phẩm sáng tạo trở thành quà tặng lưu niệm ý nghĩa. Không chỉ tiếp cận sản phẩm, toàn bộ quy trình đan lục bình đã được một số điểm du lịch ở Cần Thơ đưa vào khai thác.

Thông qua hoạt động đang phổ biến là workshop, các đơn vị làm du lịch chuyển tải những câu chuyện văn hóa, làng nghề đến du khách một cách sinh động. Một số nghệ nhân tâm huyết đã được mời đến chia sẻ kỹ thuật đan, những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của người dân. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau và mỗi câu chuyện làng nghề cũng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn; qua đó làm tăng giá trị sản phẩm, góp phần gìn giữ làng nghề, lan tỏa được những nét đẹp văn hóa miền Tây đến du khách trong nước và quốc tế.