Theo những mùa hoa nở

Mỗi vùng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có những nét đặc sắc riêng. Nét riêng ấy có thể là một nhánh sông quê, một khu rừng đất ngập nước, ngọn núi, cánh đồng… Tại Đồng Tháp, nét riêng còn là những loài hoa nở theo mùa, tạo cho ta cảm giác lâng lâng trước vẻ đẹp lung linh đầy quyến rũ trong tiết trời mùa hạ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Dương Văn Quế chăm sóc những cây muồng anh đào đột biến đang cho hoa để chuẩn bị phục vụ du khách.
Ông Dương Văn Quế chăm sóc những cây muồng anh đào đột biến đang cho hoa để chuẩn bị phục vụ du khách.

Đến Đồng Tháp, dù không phải là mùa xuân, nhưng chúng ta không khó bắt gặp những loài hoa rất đặc trưng như ô môi, muồng anh đào, sen… đua nhau khoe sắc. Giờ đây, các điểm tham quan du lịch ở Đồng Tháp đã mang những giống hoa ấy về khu vườn của mình tạo dấu ấn riêng phục vụ khách tham quan.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Vườn hồng Tư Tôn ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, đón tiếp du khách tham quan một loài hoa rất lạ - muồng anh đào đột biến. Cũng cùng tên, nhưng loài hoa này tại Vườn hồng Tư Tôn khác với muồng anh đào hiện có trên nhiều địa bàn của tỉnh Đồng Tháp. Muồng anh đào ở một số tuyến đường tại thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc… cũng cho hoa cùng thời điểm nhưng mỗi cây có rất nhiều lá; còn muồng anh đào đột biến thì rất ít lá và hàng loạt hoa trổ dọc theo từng cành.

Chúng tôi có dịp gặp ông Dương Văn Quế, chủ của điểm tham quan Vườn hồng Tư Tôn với diện tích 2,5 ha. Ông Quế bắt đầu khai thác du lịch từ đầu năm 2021, nhưng từ năm 2017, ông đã trồng nhiều loài hoa, cây kiểng trên khu vườn này, trong đó có muồng anh đào đột biến.

Ông Quế sinh năm 1961, là người con thứ bảy nhưng là con trai đầu của cố Nghệ nhân Tư Tôn, người được xem như “hậu tổ” của nghề trồng hoa Sa Đéc và là người đặt nền móng cho Làng hoa Sa Đéc ngày nay. Theo ông Quế, muồng anh đào đột biến mới trổ, hoa có mầu hồng đậm, một thời gian, hoa chuyển sang mầu hồng lợt. Hoa từ lúc nở đến lúc rụng kéo dài cả tuần, có khi còn dài hơn.

Ông Quế kể, cách nay bảy năm, tại Làng hoa Sa Đéc, có một nông dân trồng muồng anh đào. Khi đến vườn của nông dân này chơi, ông Quế phát hiện có một cây muồng anh đào đột biến tự nhiên và ông mong muốn đổi cây muồng anh đào đột biến này với giống cây khác của ông. Sau khi mang về vườn trồng, hằng năm, ông Quế tiếp tục chiết cành để đem trồng tạo ra những cây mới. Cứ thế, đến nay, ông có hơn 100 cây muồng anh đào đột biến cho ra hoa.

Lúc đầu, ông Quế trồng muồng anh đào đột biến để tạo bóng mát và có ý định trồng để bán. Trước loài hoa rất quyến rũ này, ông quyết định xem đây là loài cây chủ lực của điểm du lịch Vườn hồng Tư Tôn. Ông Quế trồng trang trí muồng anh đào đột biến để phục vụ khách du lịch từ tháng 4 đến giữa tháng 5, thời điểm loài cây này trổ hoa.

Để tạo điểm nhấn, ông trồng muồng anh đào đột biến dọc hai bên con đường dài 320m, cây cách cây 3,5m. Khi đến tham quan, từ xa, du khách đã nhìn thấy con đường muồng anh đào bung sắc hồng rực rỡ. Khách có thể đứng trên cầu trang trí dạng cầu dây treo, thong dong trên con đường hoa, tận tay chạm vào những cành hoa, hoặc có thể bơi xuồng, men theo hồ nước ngắm hoa, chụp ảnh cùng muồng anh đào…

Theo những mùa hoa nở ảnh 1

Muồng anh đào đột biến đang trổ hoa tại Vườn hồng Tư Tôn.

Vào những ngày này, khi đến Đồng Tháp, du khách còn có thể đắm chìm trong mùa bông ô môi nở. Đồng Tháp được xem là địa phương có nhiều cây ô môi nhất ở miền Tây Nam Bộ. Loài cây được ví như “Hoa anh đào miền Tây” này giờ không chỉ mọc nhiều ở chốn làng quê, mà còn được trồng nhiều nơi ở phố thị.

Cây ô môi trổ bông đỏ hồng, từng chùm dày đặc, cành nào cũng có bông. Cứ mỗi độ vừa bước qua những ngày Tết Nguyên đán, dưới cái nắng tháng 3, tháng 4, khắp nơi lại rợp trời bông ô môi. Ô môi có thân cành lớn, gốc to. Cây cao tầm 5 đến 10m, từ 4 năm tuổi đã có thể trổ bông, kết trái. Giống như muồng anh đào, mỗi năm, ô môi chỉ ra bông và cho trái duy nhất một lần.

Bà Trần Thị Lệ, 60 tuổi, ở ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cho biết: “Cứ ngỡ là sẽ không còn nhìn thấy cây ô môi, bông ô môi nữa, nhưng khi xây dựng các khu dân cư, chính quyền địa phương đã cho trồng nhiều cây ô môi dọc bên đường, tới mùa trổ bông rất đẹp…”.

Nhắc đến Đồng Tháp, không thể không nhắc đến sen hồng. Đến huyện Tháp Mười vào thời điểm nào trong năm cũng bắt gặp những cánh đồng sen bạt ngàn. Tuy nhiên, theo các chủ điểm tham quan du lịch, tháng 4 và tháng 5 là thời điểm mùa sen trổ nhiều nhất và đẹp nhất trong năm.

Tháp Mười đang phát huy hiệu quả kinh tế trong sản xuất sen của nông hộ, đặc biệt là làm du lịch. Tháp Mười từng bước xây dựng được hình ảnh “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh” nhờ kết hợp khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống thời khẩn hoang, tâm linh và sen. Khi đến Khu du lịch “Đồng sen Tháp Mười”, du khách được chiêm ngưỡng nhiều ruộng sen, ao sen trồng cạnh rừng tràm và ruộng lúa. Vào buổi sáng, sen đua nở, khoe sắc đẹp nhất trong ngày và đây cũng là lúc sen tỏa hương thơm dịu mời gọi du khách muôn nơi tìm đến…