Sông nước miệt vườn

Nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất

Nghề nắn nồi đất tại thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hình thành khoảng từ năm 1920, tạo ra những vật dụng bếp bằng đất nung phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Thương lái thu mua lò đất của nông dân.
Thương lái thu mua lò đất của nông dân.

Nhiều năm gần đây, dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nghề này vẫn được hàng trăm hộ gia đình duy trì để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

MỖI khi nhắc đến nồi đất, người ta lại nhớ đến xóm lò ở ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, xóm có một không hai. Những năm trước, làng nghề nắn nồi đất nơi đây có khoảng 180 hộ làm nghề, chiếm gần 50% dân số của ấp; trong đó nhiều gia đình có 3-4 thế hệ theo nghề với số lao động có tuổi nghề từ 40-50 năm trở lên.

Thời hưng thịnh, cả ấp Đầu Voi có trên 200 cơ sở làm lò đất tối ngày sáng lửa vẫn không kịp giao cho thương lái chở đi tiêu thụ khắp miền Tây, thậm chí lên tới Sài Gòn, Đồng Nai. Sản phẩm thì nhiều chủng loại, từ khuôn bánh khọt, lò đất, nồi đất, chậu đất… Chỉ riêng lò đất đã có cả chục loại với nhiều kích thước như: Lò đốt củi, lò trấu, lò đốt mạt cưa và dăm gỗ mịn, lò than.

Theo bà Vũ Thị Là, người đã gắn bó với nghề nắn nồi đất hơn nửa thế kỷ, nghề này ai cũng làm được, nhưng dễ mà khó. Dễ vì nguyên liệu sẵn có tại địa phương, không phải lấy xa; khó vì muốn nắn sao cho đẹp thì phải đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì...

Ngày xưa sản phẩm nắn ra chủ yếu là cà ràng, lò đất, nồi, ơ... Còn bây giờ, sản phẩm được làm đa dạng hơn về chủng loại cũng như kích cỡ, tinh xảo hơn. Tuy vậy, xử lý đất sao cho không bị sạn, nhào đất sao cho dẻo, đủ độ mịn thì không phải ai cũng làm được. Đây cũng được xem là bí quyết được truyền qua nhiều đời. Dân xóm lò luôn tâm niệm lời nguyền: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tiết lộ cho người lạ.

Đến công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm hay đánh bóng sao cho đẹp cũng đòi hỏi bàn tay người thợ phải rất khéo léo. Rồi khi nung hay còn gọi là đốt lò là công đoạn cực kỳ quan trọng, làm sao cho ra sản phẩm không non hoặc già lửa quá mới đạt yêu cầu. Những nguyên liệu dùng để đốt thường là rơm, củi, trấu. Khi đốt phải xếp một lớp củi xen lớp sản phẩm cho nhiệt độ đủ để chín. Do vậy, đốt một mẻ lò hiện nay cũng tốn từ 150.000-200.000 đồng.

Trước đây, đốt lò chủ yếu bằng củi, nhưng đốt củi lửa cháy không đều, sản phẩm “bị sống”, vừa thất bại lại mất cả tiền lẫn công. Còn đốt trấu cho lửa đều, sản phẩm không bị hỏng. Tuy nhiên, hiện tại người làm nghề mua nguyên liệu trấu hết sức khó khăn, giá cao, từ đó đẩy thêm chi phí khiến làm ra sản phẩm có lợi nhuận thấp.

Nhiều năm trước, nghề nắn lò đất được xem là một trong những kế sinh nhai của nhiều người dân ở ấp Đầu Voi, giúp nhiều hộ dân thoát cảnh đói nghèo. Sau này, do nghề trồng lúa phát triển mạnh, lợi nhuận cao, đất đai đều có chủ canh tác dẫn đến thiếu đất nguyên liệu nắn nồi nên làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Hiện chỉ còn khoảng vài chục hộ làm nghề nhưng sản xuất cầm chừng, duy trì làm vì không có hoặc ít đất sản xuất nông nghiệp, không có nghề nào khác hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lò đất của người dân ngày càng ít đi do sự phát triển của các loại bếp gas, bếp điện, nồi cơm điện, lò làm bằng xi-măng kiểu dáng đẹp. Sản phẩm lò đất nung ở làng nghề này lâm vào cảnh “chợ chiều”.

Có thể nói, những con người hàng thập kỷ gắn bó với nghề ngoài chuyện lo mất nghề truyền thống trăm năm cha ông truyền lại, còn lo về sinh kế cho tương lai bởi không phải ai cũng có thể rời quê đi xa để lập nghiệp. Những người như bà Là, ông Bé, chị Cam, chị Mít… vẫn gắn bó với cái nghề trăm năm ở ấp Đầu Voi, tỉ mỉ trét từng cái lò, chiếc nồi đất mỗi ngày để đưa đi tiêu thụ.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất Nguyễn Văn Đông cho biết, nghề làm nồi đất ở đây đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Để làng nghề tiếp tục được gìn giữ và phát triển, trong thời gian tới, địa phương đề xuất các cơ quan, ban, ngành có giải pháp hỗ trợ bà con về quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật để thay đổi công nghệ sản xuất; xây dựng đề án để phát triển du lịch làng nghề tại địa phương, tổ chức cho người làm nghề đến tham quan một số làng nghề làm gốm nổi tiếng các nơi khác để học hỏi kỹ thuật, công nghệ, làm ra những sản phẩm có mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường.