Làng bánh phồng Sơn Đốc đón Tết

Vào những ngày này, về làng nghề truyền thống sản xuất bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lại bắt gặp cảnh hối hả làm bánh để kịp bán dịp Tết. Làng nghề truyền thống từ lâu đời vẫn được người dân nơi đây duy trì, phát triển dù trải qua những thăng trầm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân địa phương làm bánh phồng Sơn Đốc truyền thống.
Người dân địa phương làm bánh phồng Sơn Đốc truyền thống.

Hơn trăm năm trước, người dân Sơn Đốc đã làm ra chiếc bánh phồng từ nếp sáp, mì (sắn) kết hợp với nước cốt dừa. Người Bến Tre hay hát: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” để thể hiện tự hào về loại đặc sản vang danh của địa phương mình.

Điều đặc biệt của chiếc bánh phồng nơi đây là được tuyển lựa nguyên liệu kỹ lưỡng từ nếp sáp cộng với bàn tay khéo léo của người thợ để làm chiếc bánh giòn, béo cho nên người tiêu dùng ưa chuộng. Làm ra chiếc bánh phồng là cả sự kỳ công khi người thợ phải thức dậy từ sớm ngâm nếp rồi nấu thành xôi. Sau đó, giã nhuyễn cùng với đường, nước cốt dừa để cho ra hỗn hợp bột dẻo rồi mới đem cán thành hình tròn, mang phơi khô thành phẩm cung ứng cho thị trường.

Trước đây, hầu hết làm thủ công nhưng gần đây, các cơ sở đều đưa máy móc vào làm các công đoạn như giã, cán bánh nên đỡ tốn nhân công, tăng sản lượng. Hiện tại, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc có các loại bánh như: Bánh phồng nếp, bánh phồng mì, bánh phồng loại nhỏ dùng gói xôi, bánh phồng mì dán chuối... Năm 2018, làng nghề truyền thống này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những ngày này, bắt gặp hai bên đường dẫn vào làng nghề hình ảnh lớp lớp những chiếc chiếu phơi bánh phồng rất đẹp. Nhà nào cũng tranh thủ những ngày cận Tết có ánh nắng tốt để làm bánh giao cho khách hàng. Mới sáng sớm, gia đình bà Bùi Thị Sậm (chủ cơ sở sản xuất Hai Sậm) cùng gần chục nhân công đã hối hả nấu nếp, giã bột, cán bánh...

Khi mặt trời vừa lên, vội mang bánh phồng vừa cán xong ra trước sân phơi. Bà Sậm cho biết, năm 2023, tình hình chung kinh tế khá khó khăn cho nên lượng hàng của cơ sở làm ra cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, vẫn còn thương lái đặt hàng rai rai nên cố gắng làm đến cận Tết mới nghỉ.

Cơ sở sản xuất bánh phồng của gia đình bà Cao Thị Lệ, 68 tuổi cũng đang hối hả sản xuất để kịp giao hàng cho thương lái. Bà Lệ cho biết: “Gia đình tôi làm nghề sản xuất bánh phồng suốt mấy chục năm nay để bán khắp các tỉnh trong khu vực.

Thường có mối quen sẽ gửi xe đò đến các tỉnh, còn lại thương lái sẽ tự đến để mua hàng mang đi tiêu thụ. Tết năm nay, gia đình sản xuất chỉ bằng phân nửa so với năm rồi do kinh tế khó khăn, thương lái ít đặt hàng”. Hiện tại, trung bình mỗi ngày gia đình bà Lệ sản xuất khoảng 9.000 chiếc bánh phồng nhỏ dùng để gói xôi và 5.000 chiếc bánh phồng nếp loại lớn. Nhờ nghề này, kinh tế gia đình khá giả và tạo việc làm cho 7 lao động là người dân ở địa phương.

Bà Huỳnh Thị Liếp, 77 tuổi, là thợ lớn tuổi nhất ở làng nghề truyền thống này vui vẻ: “Nghề này rất nhẹ nhàng cho nên dù lớn tuổi tôi cũng có thể làm được để kiếm thêm thu nhập khỏi phải xin tiền con, cháu. Lao động trẻ làm nhiều hơn nên thu nhập cao hơn, còn tôi chỉ kiếm một ngày vài chục nghìn đồng”.

Gần đây, hầu hết các lò sản xuất bánh phồng ở Sơn Đốc đều chuyển sang sản xuất bằng máy giúp sản phẩm đồng đều, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Lê Trúc Lâm, chủ lò bánh phồng Lâm cho biết: “Gia đình tôi đã đầu tư máy móc để làm công đoạn quết bột, tráng bánh hơn 10 năm nay giúp tăng năng suất so với cách làm thủ công.

Hiện tại cơ sở của tôi có hai sản phẩm OCOP hạng 3 sao là bánh phồng mì dán chuối và bánh phồng mì béo”. Theo ông Lâm, hầu hết người dân tại làng nghề đều đầu tư máy móc để giảm số nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính sự thay đổi này đã giúp làng nghề tồn tại và phát triển trong thời gian qua.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: Hiện tại làng nghề có gần 50 cơ sở; trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 25 triệu chiếc bánh phồng bán thị trường trong tỉnh và khu vực. Hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc có 20 thành viên đang sản xuất với số lượng lớn.

Trong đó, có bốn chủ thể với 10 sản phẩm bánh phồng các loại được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Thời gian tới, địa phương đang định hướng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch. Du khách phương xa đến đây sẽ được tham quan các công đoạn của nghề làm bánh phồng truyền thống và thưởng thức sản phẩm tại chỗ.