Làng nghề bánh tráng cù lao Mây

Gần 100 năm qua, làng nghề bánh tráng cù lao Mây (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vẫn đều đặn cho ra những sản phẩm đặc sắc phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh. Nhờ sự cần cù, chịu khó, cùng sự sáng tạo, người dân cù lao Mây đã có nhiều cải tiến để nâng cao tính đa dạng, chất lượng sản phẩm, giúp thương hiệu bánh tráng nơi đây ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân cù lao Mây làm nên chiếc bánh tráng từ đôi bàn tay khéo léo.
Người dân cù lao Mây làm nên chiếc bánh tráng từ đôi bàn tay khéo léo.

Với người dân cù lao Mây, làng nghề bánh tráng trứ danh ở đây là niềm tự hào của cả vùng. Con đường dẫn vào làng nghề giờ đây được xây dựng khang trang, khác nhiều so với những con đường nhỏ, lết bết bùn đất chằng chịt khắp cù lao trước đây. Trời nắng, những tấm bánh được nhà nhà phơi khắp nơi, từ trong sân ra đến hai bên đường. Phía bên trong, người người nhộn nhịp nhặt gạo, xay bột, đổ bột, tráng bánh... Ông Lê Văn Thông, Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng cù lao Mây nói: “Tôi đi nhiều địa phương, thấy bánh tráng ở nhiều nơi được làm gần như hoàn toàn bằng máy, có thể sản xuất dễ dàng hơn, cho ra nhiều sản phẩm hơn nhưng chắc chắn không ngon bằng bánh tráng của chúng tôi. Ở đây chúng tôi sản xuất theo phương pháp thủ công, từ khâu chọn gạo, nấu bột đến tráng bánh... Mỗi chiếc bánh được làm ra bởi những bàn tay cần cù, khéo léo, không quản ngại mưa nắng, khi người dùng thưởng thức mới cảm nhận được hết hương vị của nó”.

Kể về làng nghề của mình, những thợ làm bánh cao tuổi cho biết, chẳng ai biết rõ những tấm bánh xuất hiện trên cù lao từ bao giờ, chỉ biết từ thuở xưa, ông bà, cha mẹ họ đã gắn bó với nghề. Tay thoăn thoắt tráng những mẻ bánh, bà Trịnh Thị Tuyết Mai (65 tuổi) chia sẻ, bà vốn không phải người địa phương, lấy chồng, theo chồng về đây, bà đã thấy mẹ chồng cặm cụi với nghề. Từ xưa, bánh tráng cù lao Mây đã được ưa chuộng, bán rất chạy, bởi thế, nghề này trở thành kế sinh nhai của hàng chục gia đình. “Hồi đó, thấy mẹ chồng làm có vẻ dễ dàng, tôi cũng xin được học nghề. Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được thành thạo phải trải qua thời gian dài học hỏi”, bà Mai bộc bạch.

Nguyên liệu làm bánh từ bột gạo nguyên chất, muối, đường, nước cốt dừa, mè; gạo phải ngâm kỹ, thường là qua đêm cho mềm, rồi xay nhuyễn bằng tay. Pha trộn nguyên liệu cũng phải biết cách thì khi phơi bánh mới đạt được độ dẻo. Tráng bánh là công đoạn khó khăn nhất, bánh phải được tráng thật tròn, thật mỏng trên một chiếc nồi căng vải và làm chín bằng hơi nước. Khi phơi bánh trên vỉ, phải canh thời tiết, phơi nắng phải đủ thời gian thì bánh mới đạt chất lượng tốt. “Mỗi ngày, nếu làm đều tay, thời tiết thuận lợi thì một gia đình làm được khoảng từ 300 đến 500 bánh. Thời điểm tháng 11, tháng 12 hằng năm, nhà nào cũng làm việc tất bật từ sáng tới đêm để kịp giao hàng Tết Nguyên đán, số lượng bánh làm ra có thể tăng gấp hai lần”, bà Mai chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương, 74 tuổi, một trong những người thợ làm bánh cao tuổi nhất cù lao Mây cho biết, ngày thường, ở đây có khoảng 15-20 hộ làm bánh, bán thường xuyên cho các mối khách quen. Đến thời điểm gần Tết, nhiều khi có đến 60-70 hộ trong làng cùng sản xuất. Vốn là nghề truyền thống cho nên trong làng nhà nào cũng biết làm, đến vụ là các gia đình lại tất bật “đỏ lửa”. Công việc làm bánh thường kéo dài từ 3 giờ sáng cho đến đêm, làm liên tục, nhưng nhiều lúc không sản xuất kịp hàng giao cho khách. Những năm gần đây, ngoài các sản phẩm truyền thống như bánh tráng nem, bánh ngọt, bánh tráng nướng..., người làng cũng đã cải tiến sản phẩm để ra các loại bánh tráng mới như bánh tráng ớt, bánh tráng thanh long... “Bánh tráng thanh long xuất hiện khi một người trong làng nảy ra ý tưởng xay nhuyễn, vắt lấy nước rồi trộn vào bột để tráng bánh. Sau một thời gian nghiên cứu, bánh tráng thanh long ra đời, với mầu đỏ đặc trưng và hương vị hòa quyện giữa nước cốt dừa, thanh long và sữa. Đây là sản phẩm đặc biệt, giúp thương hiệu bánh tráng cù lao Mây càng thêm vươn xa”, bà Hương nói.

Theo Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng cù lao Mây Lương Văn Thông, người dân ở đây không chỉ biết làm bánh, mà đã biết cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và cùng hợp tác xã xây dựng thương hiệu. Bánh tráng được sản xuất với đầy đủ bao bì, nhãn mác, đóng gói hút chân không bảo đảm chất lượng cho nên nhiều người không chỉ mua để sử dụng mà còn làm quà. Nhiều nhà đầu tư máy móc như máy cắt, máy xay bột thay thế cối xay truyền thống cho nên sản xuất được nhiều sản phẩm hơn mà sản phẩm vẫn giữ được hương vị truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề bánh tráng cù lao Mây cũng đứng trước không ít nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển. Hiện nay, chỉ có 14 thành viên tham gia hợp tác xã, vì vậy việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm gặp khó khăn. Người dân ở đây vốn chất phác, thuần hậu và còn xa lạ với các cách thức quảng bá để nhiều người biết đến sản phẩm hơn. “Có đứa cháu chỉ cho tôi cách quảng cáo, bán sản phẩm trên internet, mạng xã hội..., nhưng tôi còn loay hoay không biết cách sử dụng thì người làng còn khó hơn nữa. Cũng vì ít được quảng bá, cho nên người dân trông chờ chủ yếu vào vụ Tết”, ông Thông bộc bạch ■